Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại tỉnh Bình Dương trao đổi, học tập kinh nghiệm tại Quảng Trị
Thực hiện chương trình công tác thông tin đối ngoại năm 2024 của tỉnh Bình Dương, từ ngày 8 -5 đến ngày 11-5, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại tỉnh Bình Dương do đồng chí Trương Thị Bích Hạnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại tỉnh làm trưởng đoàn đã đến trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác thông tin đối ngoại tại tỉnh Quảng Trị.
“Đất lửa” Quảng Trị đón bước những người con phương Nam
Trong không khí hào hùng của tháng 5 lịch sử, cũng là dịp kỷ niệm 52 năm ngày giải phóng Quảng Trị 1-5 (1972 - 2024), Đoàn Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại tỉnh Bình Dương đã thực hiện chuyến công tác về với vùng “Đất lửa” Quảng Trị.
Đoàn đã đến Cồn Cỏ (Quảng Trị), đây là huyện đảo nhỏ nhất cả nước với diện tích 2,3km2, cách đất liền khoảng 18 hải lý về phía Đông. Tại đây, Đoàn đã thực hiện nghi thức chào cờ tại Cột cờ và dâng hương tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ huyện đảo Cồn Cỏ.
Đài Tưởng niệm tọa lạc trên diện tích hơn 1.000 m2, cao 28,5 m, ghi danh 104 liệt sĩ, có 2 bức phù điêu ở 2 bên mang tính nghệ thuật, tái hiện 1 phần cuộc chiến đấu bảo vệ và tiếp tế cho Cồn Cỏ. Nhằm ghi tạc những chiến công hiển hách, sự hy sinh anh dũng của các lực lượng bảo vệ đảo tiền tiêu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ, quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ xây dựng Đài Tưởng niệm anh hùng liệt sĩ đảo Cồn Cỏ từ năm 1994.
Trước anh linh các Anh hùng Liệt sĩ, Đoàn công tác bày tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc máu xương, chiến đấu anh dũng, kiên cường, bất khuất, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Chiều cùng ngày, đoàn công tác Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại tỉnh Bình Dương đã có buổi làm việc, xem phim truyền thống giới thiệu về quá trình hình thành, xây dựng, phát triển của Vùng 3 Hải quân; vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam; quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong giải quyết các vấn đề trên Biển Đông; vai trò và kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Hải quân Việt Nam; nhận diện, lựa chọn thông tin, phản biện những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về các vấn đề trên biển Đông...
Đoàn cũng đã xem phim quảng bá về Bình Dương. Thời gian qua, với định hướng phát triển phù hợp và bằng những nỗ lực của chính mình, tỉnh Bình Dương đã đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, công tác thông tin đối ngoại...
“Năm 2023, công tác thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh Bình Dương được triển khai nghiêm túc, hiệu quả, góp phần quan trọng vào thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng đến với bạn bè trong nước và quốc tế nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của đất nước, của tỉnh; thông qua các hoạt động đoàn ra, đoàn vào; các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch được đẩy mạnh.
Năm qua, Bình Dương đã tiếp 65 đoàn khách quốc tế cấp cao đến thăm, tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế - xã hội và môi trường đầu tư. Tỉnh cũng đã tổ chức 4 đoàn công tác đi khảo sát, tiếp thị môi trường đầu tư của Bình Dương tại một số nước.
Đặc biệt, Bình Dương là tỉnh là địa phương đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn Cộng đồng Thông minh thế giới (ICF). Liên tục trong 5 năm 2019-2023, Bình Dương đã được ICF vinh danh là một trong 21 thành phố có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới – SMART 21, tỉnh cũng đã thiết lập mối quan hệ với 13 tỉnh, thành phố trên thế giới, Bình Dương hiện là đối tác đáng tin cậy của 3 tổ chức quốc tế, bao gồm: Diễn đàn Cộng đồng Thông minh thế giới (ICF), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Horasis và Hiệp hội Trung tâm Thương mại thế giới (WTCA)...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Bích Hạnh, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại tỉnh đánh giá cao những kết quả mà các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân đã đạt được. Đoàn cũng đã trao tặng 400 lá cờ Tổ Quốc và các phần quà ý nghĩa nhằm động viên tinh thần các cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân tiếp tục phát huy bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần quả cảm kiên cường, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc để các tỉnh như Bình Dương có điều kiện phát triển kinh tế mạnh mẽ...
Thời gian qua, Vùng 3 Hải quân triển khai thực hiện tốt các kế hoạch giúp đỡ hậu phương của ngư dân để ngư dân vươn khơi bám biển bằng các phương pháp, hình thức thiết thực cụ thể. Trong đó, quan tâm vợ con, gia đình của ngư dân, hỗ trợ cho con em ngư dân có điều kiện học tập, phát triển để không bị bỏ lại phía sau. Đây là hoạt động mang tính nhân văn, đầy ý nghĩa được Vùng 3 thực hiện một cách thường xuyên.
Trong khuôn khổ chương trình, Đoàn đã thăm hỏi, trao tặng quà cho 24 hộ dân thuộc khu dân cư Thanh niên xung phong đảo Cồn Cỏ và khu dân cư số 1.
Trên đảo Cồn Cỏ có Trường Mầm non – Tiểu học Hoa Phong Ba với 1 lớp học mầm non 11 cháu và 1 lớp tiểu học với 3 học sinh lớp 1. Trước đây, các học sinh mầm non theo học tại Trường mầm non Hoa Phong Ba khi lên tiểu học phải vào đất liền. Để đáp ứng nguyện vọng, mong ước của các hộ dân trên đảo, giúp các hộ dân yên tâm sinh sống, bám biển, giữ đảo quê hương, lớp tiểu học được thành lập đầu năm học 2023-2024.
Đoàn đã tặng các cô giáo, học sinh trên đảo nhiều phần quà ý nghĩa gồm tiền mặt, bánh kẹo, sữa... động viên các cô yên tâm công tác
Tiếp theo chương trình công tác, ngày 10-5, Đoàn đã đến thắp hương tại Thành cổ Quảng Trị, Đây là nơi đã diễn ra trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam - được mệnh danh là “mùa hè đỏ lửa”, với sự huy động hỏa lực lớn chưa từng có. Trong 81 ngày đêm, từ 28-6 đến 16-9-1972, hai bên giằng co từng mét đất, từng ngôi nhà. Bom đạn đã phá hủy hoàn toàn thị xã Quảng Trị. Thành cổ cũng bị phá nát hoàn toàn.
Nơi đây, trên một diện tích chưa đầy 4 km2 đã phải hứng chịu 328 nghìn tấn bom, trên 1,2 triệu viên đạn pháo các loại và hơn 2 nghìn lượt máy bay oanh kích với sức công phá tổng cộng gấp 7 lần quả bom nguyên tử mà người Mỹ đã ném xuống Hirosima (Nhật Bản). 81 ngày đêm giữ đất, giữ thành, giữ niềm tin sắt son với Đảng, đã có khoảng 1,8 vạn cán bộ, chiến sỹ đã nằm lại mãi mãi, máu xương trộn từng tấc đất trong Thành cổ. Họ hóa thân cùng với sông nước, cỏ cây để trường tồn trong lòng đất mẹ, sống mãi trong lòng nhân dân.
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại tỉnh Bình Dương đến vùng đất lửa linh thiêng mà Thành cổ Quảng Trị là điểm đến tâm linh có ý nghĩa rất đặc biệt. Với những giá trị và chiến công đúc kết bằng xương máu của hàng ngàn chiến sỹ, Thành cổ Quảng Trị hôm nay trở thành một khu tưởng niệm để tri ân cho các anh hùng liệt sỹ. Bước rất nhẹ trên Thành cổ, khẽ đọc những lời thơ của Nguyễn Đình Lân mà lòng se sắt:
“Bạn nằm lại nơi đồng đất quê hương
Nơi chiến tuyến lằn ranh sông Bến Hải
Súng trong tay và đôi mắt rực lửa
Trút hận xuống đầu thù rồi ngã xuống bình yên
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Ru mãi bài ca Bẩt tử đến vô cùng...”