Đoàn công tác của tỉnh Ninh Bình làm việc, trao đổi kinh nghiệm tại tỉnh Quảng Ninh

Ngày 16/8, Đoàn công tác của tỉnh Ninh Bình do đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã có buổi trao đổi kinh nghiệm tại tỉnh Quảng Ninh.

Lãnh đạo hai tỉnh ký biên bản ghi nhớ về các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng giữa Quảng Ninh và Ninh Bình.

Lãnh đạo hai tỉnh ký biên bản ghi nhớ về các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng giữa Quảng Ninh và Ninh Bình.

Tham gia đoàn công tác có các đồng chí: Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Đón tiếp và làm việc với Đoàn về phía tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Cao Tường Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Ninh.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã thông tin những kết quả nổi bật sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh gắn với thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng. Trọng tâm là chia sẻ những kinh nghiệm quý trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển du lịch; kinh nghiệm trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; kinh nghiệm trong xúc tiến và thu hút đầu tư…

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chia sẻ những thông tin về kinh tế-xã hội của tỉnh.

Theo đó, với vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã luôn phát huy ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động, sáng tạo dựa trên nền tảng các giá trị tốt đẹp được tạo dựng qua nhiều thế hệ, khơi dậy mọi tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực nội sinh, đưa Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc với nhiều dấu ấn nổi bật.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt mức tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022), năm 2023 ước đạt 11%, nằm trong nhóm những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước, lập nên kỳ tích trong công cuộc đổi mới. Năm 2022, khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm trên 94%, còn lại là nông, lâm, thủy sản. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 3 năm trở lại đây tăng bình quân khoảng 10%/năm, vượt chỉ tiêu Trung ương giao và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Du lịch có bước phát triển ấn tượng. Năm 2022, mức độ đóng góp của GRDP du lịch đã tăng lên đáng kể, đạt 6% so với GRDP của tỉnh. 7 tháng năm 2023, tổng khách du lịch đạt 10,8 triệu lượt khách (tăng 54% cùng kỳ năm 2022).

Hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại được đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện, đặc biệt là đường bộ, cao tốc, cảng hàng không, cảng biển quốc tế, cảng thủy nội địa, tạo tiền đề thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, liên vùng và hội nhập quốc tế. Hiện Quảng Ninh là địa phương có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước.

Môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, nằm trong nhóm đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư; cải cách hành chính có bước đột phá; giữ vững chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI đứng đầu cả nước 6 năm liên tiếp (2017 - 2022). Tỉnh cũng tiên phong trong xây dựng mô hình và vận dụng sáng tạo, có hiệu quả hình thức đối tác công - tư (PPP). Đến nay, Quảng Ninh đã triển khai 44 dự án đầu tư theo hình thức PPP với tổng số vốn khoảng 47.000 tỷ đồng.

Các tiềm năng về lịch sử, văn hóa, con người Quảng Ninh được chú trọng, khơi dậy, phát huy trở thành nguồn lực phục vụ trực tiếp cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh cũng bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế.

Bài học kinh nghiệm mà Quảng Ninh rút ra là: Phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nhất là ở cấp cơ sở; dày công chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ kế cận, lãnh đạo, quản lý và cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ gắn với tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy; đồng thời khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đổi mới toàn diện, mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia. Hội nhập sâu rộng, phát triển kinh tế tổng hợp, toàn diện, hiện đại với độ mở cao; không ngừng tìm kiếm các không gian phát triển mới, nguồn lực, động lực mới cho sự phát triển bền vững.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải bao quát, toàn diện, tổng thể, liên thông, song phải có trọng tâm, trọng điểm, rõ khâu đột phá, kịp thời phát hiện "điểm nghẽn" để tập trung nguồn lực, tổ chức thực hiện dứt điểm, đo lường được kết quả, hiệu quả…

Với tinh thần trao đổi thắng thắn, học hỏi, cầu thị, các đại biểu tập trung chia sẻ kinh nghiệm trên các lĩnh vực: việc xây dựng, quản lý và thực hiện quy hoạch tỉnh; những chỉ đạo chung về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính trị, mô hình hiệu quả góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng đảng, hệ thống chính trị, phát triển đảng viên, thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước; việc bảo đảm tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch; đẩy mạnh đầu tư phát triển giáo dục tư thục; cơ chế, mô hình hiệu quả tăng thu hút đầu tư; tái cơ cấu các cơ quan báo chí, truyền thông góp phần thúc đẩy phát triển du lịch; việc kiên định định hướng phát triển từ "nâu" sang "xanh"; các giải pháp thu hút đầu tư phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao; giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự góp phần phát triển du lịch…

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn cảm ơn sự đón tiếp thân tình, trọng thị của tỉnh Quảng Ninh, đồng thời bày tỏ ấn tượng sâu sắc về truyền thống cũng như bước phát triển mạnh mẽ của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua, nhất là những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế- xã hội, đưa Quảng Ninh trở thành điểm sáng của cả nước trên nhiều lĩnh vực.

Khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa hai tỉnh Ninh Bình và Quảng Ninh đã được thiết lập qua nhiều thế hệ lãnh đạo, có nhiều hoạt động ký kết, hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực du lịch, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng buổi trao đổi kinh nghiệm là cơ hội để hai bên tiếp tục duy trì, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác. Trong thời gian tới, Ninh Bình mong muốn nhận được sự hợp tác toàn diện với tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời đề nghị, sau buổi làm việc, hai bên tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau nhằm phát triển các thế mạnh riêng có của địa phương, phấn đấu xây dựng mô hình hợp tác song phương Ninh Bình - Quảng Ninh trở thành mô hình hợp tác điển hình trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký bày tỏ vui mừng khi được đón đoàn công tác của tỉnh Ninh Bình tới thăm và trao đổi kinh nghiệm. Chúc mừng những thành tựu tỉnh Ninh Bình đạt được trong thời gian qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng Ninh Bình và Quảng Ninh là hai địa phương có nhiều nét tương đồng trong phát triển văn hóa- xã hội, với việc cùng hai miền di sản, cùng nền văn hóa đồng bằng sông Hồng. Việc trao đổi, học tập kinh nghiệm sẽ góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí nhấn mạnh, sau buổi làm việc cả hai địa phương đều có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong thu hút đầu tư, phát triển du lịch; hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển các thế mạnh riêng có, đồng thời củng cố thêm mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai tỉnh mà nhiều thế hệ lãnh đạo hai địa phương đã dày công vun đắp.

Nhân dịp này, lãnh đạo hai tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ về các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng giữa Quảng Ninh và Ninh Bình, trọng tâm là tăng cường hợp tác, kết nối phát triển du lịch, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo đó, Quảng Ninh - Ninh Bình thống nhất tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương, nhằm góp phần tích cực thúc đẩy phát triển liên kết nội vùng, liên vùng, hợp tác hóa lãnh thổ ngày càng đi vào thực chất, đi vào chiều sâu theo nguyên tắc "Chia sẻ - Đồng thuận - Cùng phát triển".

* Trước đó, Đoàn công tác của tỉnh đã đi tìm hiểu thực tế tại một số khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh: KCN Sông Khoai; KCN Đông Mai (thị xã Quảng Yên) và KCN Việt Hưng (thành phố Hạ Long).

Tại các nơi đến thăm, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và đại diện một số sở, ngành, địa phương, nhà đầu tư đã thông tin khái quát về quy hoạch, tình hình thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp, khu kinh tế (KKT) của tỉnh.

Đoàn công tác của tỉnh tìm hiểu thực tế tại KCN Việt Hưng.

Theo đó, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm 23 KCN, 2 KKT ven biển và 3 KKT cửa khẩu, phân bố trên 10/13 địa phương của tỉnh.

Trong đó 3 KCN mà đoàn công tác của tỉnh đến tìm hiểu thực tế là những KCN trọng điểm, được tỉnh Quảng Ninh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại để thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, sản phẩm số, ô tô, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại, kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Tập trung xúc tiến đầu tư vào các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới (các nhà đầu tư động lực) có khả năng kéo theo nhiều doanh nghiệp sản xuất vệ tinh, tạo thành chuỗi giá trị toàn cầu; các nhà đầu tư có thương hiệu, có năng lực tài chính và trình độ, kinh nghiệm quản lý, có khả năng liên kết và tác động tích cực đến các doanh nghiệp của địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Đoàn công tác của tỉnh nghe giới thiệu việc thu hút đầu tư tại KCN Sông Khoai.

Trong chương trình, Đoàn công tác của tỉnh cũng đi tìm hiểu thực tiễn tại khu du lịch Yoko Osen Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả, tổ hợp nghỉ dưỡng khoáng nóng 5 sao phong cách Nhật Bản đầu tiên tại Việt Nam- một trong những điểm sáng trong thu hút đầu tư phát triển dịch vụ chất lượng cao của Quảng Ninh.

Tin, ảnh: Đinh Ngọc

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/doan-cong-tac-cua-tinh-ninh-binh-lam-viec-trao-doi-kinh/d2023081619183630.htm