Đoàn công tác Quỹ cộng đồng phòng-chống thiên tai làm việc tại Gia Lai

Sáng 26-4, ông Phan Diễn-nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Quỹ cộng đồng phòng-chống thiên tai (Viện Tài nguyên và Môi trường-Đại học Quốc gia Hà Nội) dẫn đầu đoàn công tác đã có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai về một số nội dung trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa đã báo cáo khái quát về tình hình phát triển kinh tế lâm nghiệp, công tác lâm nghiệp xã hội của tỉnh. Theo đó, trong 5 năm qua, diện tích trồng rừng đạt hơn 25,2 ngàn ha (gấp 6,3 lần so với Nghị quyết đề ra). Đến cuối năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng đạt 46,7%; công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm chỉ đạo.

Ngành lâm nghiệp của tỉnh đã thực hiện khoán quản lý, bảo vệ rừng bình quân 145 ngàn ha/năm; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên 1.300 ha/năm; mỗi năm khai thác và trồng lại khoảng 1 ngàn ha rừng sản xuất với sản lượng gỗ nguyên liệu đạt 110-130 ngàn m3; tăng diện tích rừng khai thác và trồng lại 500 ha/năm. Đến nay, tổng diện tích 3 loại rừng sau rà soát điều chỉnh là gần 723 ngàn ha gồm hơn 519,6 ngàn ha đất có rừng và hơn 203,3 ngàn ha đất chưa có rừng.

Giai đoạn 2021-2025, theo kế hoạch, tỉnh sẽ trồng 35 ngàn ha rừng tập trung, 5 triệu cây phân tán; khoán quản lý, bảo vệ rừng 725 ngàn lượt ha/5 năm; khoanh nuôi tái sinh rừng bình quân 15.754 lượt ha/5 năm. Thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh, tỉnh dự kiến trồng 8 triệu cây, bình quân 1,6 triệu cây xanh/năm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cũng thông tin thêm với đoàn công tác về kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; phương án quản lý rừng bền vững; kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng; tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra và công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai; kế hoạch, chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai của tỉnh giai đoạn 2021-2030; kế hoạch, phương án di dời, tái định cư các khu dân cư, hộ gia đình ra khỏi các khu vực xung yếu, có nguy cơ xảy ra thiên tai; các hoạt động sinh kế, giải quyết việc làm, thu nhập và mức sống của người dân các khu vực có rừng; nguồn ngân sách và các nguồn vốn xã hội hóa hàng năm tỉnh đã đầu tư cho công tác trồng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của địa phương...

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thi

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thi

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã nêu lên một số khó khăn, hạn chế của tỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng như: đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 46% dân số toàn tỉnh, trình độ dân trí còn hạn chế, điều kiện sản xuất và năng suất lao động thấp; tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn còn xảy ra; công tác bảo vệ rừng tại gốc chưa hiệu quả; diện tích rừng có nguy cơ cháy cao của tỉnh khá lớn; công tác rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng còn nhiều sai sót, chưa sát với thực tế...

Chủ tịch UBND tỉnh cũng thông tin, tỉnh đang xây dựng chương trình, kêu gọi đầu tư trồng cây dược liệu dưới tán rừng, giúp chủ rừng tạo ra nguồn thu nhập mới trên cơ sở cho thuê môi trường rừng. Vì vậy, tỉnh mong muốn đoàn công tác có thể nghiên cứu giúp tỉnh những loại cây trồng phù hợp với điều kiện tiêu thụ và thị trường; một số phương tiện hỗ trợ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng như: camera quản lý từ xa, hệ thống cảm ứng báo cháy...; đồng thời đưa ra ý tưởng và giải pháp hữu hiệu để vừa phát triển rừng bền vững, vừa giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Chủ tịch Quỹ cộng đồng phòng-chống thiên tai Phan Diễn đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Gia Lai trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhiều năm qua; đồng thời chia sẻ với địa phương về những khó khăn đang gặp phải.

Ông Phan Diễn cũng cho hay, Quỹ có thể giúp tỉnh xây dựng dự án hỗ trợ cho người dân tại một số địa bàn trồng cây gỗ lớn dài ngày thay vì trồng gỗ nhỏ khai thác nhanh; hoặc trồng xen cây trong vườn cà phê để vừa tăng thu nhập, vừa nâng cao tác dụng phòng hộ cho đất. Tuy nhiên, tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ sinh kế cho người dân trong thời kỳ kiến thiết cơ bản để họ yên tâm chăm sóc, bảo vệ rừng và kéo dài chu kỳ của rừng sản xuất...

Chủ tịch Quỹ cộng đồng phòng-chống thiên tai Phan Diễn đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Gia Lai trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhiều năm qua. Ảnh: Hồng Thi

Chủ tịch Quỹ cộng đồng phòng-chống thiên tai Phan Diễn đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Gia Lai trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhiều năm qua. Ảnh: Hồng Thi

Theo kế hoạch, chiều 26 và sáng 27-4, đoàn công tác của Quỹ Cộng đồng phòng-chống thiên tai sẽ khảo sát thực địa và thăm một số mô hình quản lý rừng, trồng rừng tại 2 huyện Kbang và Mang Yang. Trên cơ sở các đề xuất của tỉnh và sau khi khảo sát thực địa, đoàn sẽ tiếp tục có buổi làm việc với tỉnh để có sự xem xét và hỗ trợ cụ thể trong thời gian tới nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển rừng của địa phương.
Được biết, Quỹ cộng đồng phòng-chống thiên tai là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, có mục đích hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào các địa phương trong cả nước chủ động phòng tránh thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra và tài trợ cho các chương trình, đề án nhằm mục đích xã hội, nhân đạo, từ thiện.

HỒNG THI

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8301/202104/doan-cong-tac-quy-cong-dong-phong-chong-thien-tai-lam-viec-tai-gia-lai-5733066/