Đoàn công tác tỉnh Cao Bằng trao đổi kinh nghiệm tại tỉnh Lâm Đồng

Chiều 10/3, Đoàn công tác của tỉnh Cao Bằng đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng để nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai, thực hiện một số lĩnh vực như quản lý quy hoạch, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển du lịch, dịch vụ; xây dựng, quản lý đô thị thông minh...

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Đoàn công tác của tỉnh Cao Bằng do đồng chí Lại Xuân Môn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng dẫn đầu. Tham gia đoàn công tác của tỉnh Cao Bằng có đồng chí Hoàng Xuân Ánh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các ban xây dựng Đảng, các sở, ngành và địa phương cơ sở của tỉnh Cao Bằng.

Về phía tỉnh Lâm Đồng có các đồng chí: Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Đình Văn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Văn Hiệp – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và lãnh đạo thành phố Đà Lạt.

Tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn đã khái quát một số đặc điểm tình hình của tỉnh Cao Bằng. Theo đó, Cao Bằng là tỉnh miền núi thuộc khu vực Đông Bắc có đường biên giới dài hơn 333 km tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc và có 2 cửa khẩu. Cao Bằng có diện tích hơn 6700 km2 với dân số hơn 540 ngàn người; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 95%. Thu nhập bình quân đầu người (GDP) của tỉnh Cao Bằng hiện nay đạt khoảng 30 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Cao Bằng hiện còn khoảng 22% và hộ cận nghèo khoảng 15%. Tỉnh Cao Bằng có khí hậu, thổ nhưỡng tương đối thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh là tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Vì vậy, tỉnh Cao Bằng mong muốn được học tập, trao đổi kinh nghiệm với tỉnh Lâm Đồng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh cũng như phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn.

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận phát biểu tại buổi làm việc

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận phát biểu tại buổi làm việc

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận cũng đã giới thiệu tóm tắt một số đặc điểm tình hình cũng như các kết quả nổi bật của Lâm Đồng đạt được trên một số lĩnh vực trong thời gian qua. Lâm Đồng là tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 9.774 km2, dân số trên 1,3 triệu người với 47 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, dân tộc thiểu số chiếm khoảng 24%. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và địa hình đặc thù, tỉnh Lâm Đồng có nhiều thuận lợi trong phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các loại nông sản đặc hữu như rau, hoa, chè, cà phê, dâu tằm, bò sữa; phát triển ngành dịch vụ, du lịch chất lượng cao và công nghiệp chế biến, khai khoáng, thủy điện... Thời gian qua, Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng đã quan tâm, ban hành các nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn. Hàng năm, tỉnh Lâm Đồng cũng phân bổ từ 4 - 5 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC); hỗ trợ công nhận vùng sản xuất NNUDCNC và hỗ trợ nâng cao năng lực để phát triển các doanh nghiệp NNUDCNC. Diện tích sản xuất NNUDCNC toàn tỉnh Lâm Đồng đến hết năm 2020 dự kiến khoảng 60.228 ha, chiếm 21,7% diện tích canh tác toàn tỉnh; giá trị sản xuất NNUDCNC đạt 400 triệu đồng/ha/năm. Hiện, toàn tỉnh Lâm Đồng có 13 doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp NNUDCNC. Đến nay, các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch hình thành 21 vùng sản xuất NNUDCNC (2 vùng chăn nuôi và 19 vùng sản xuất trồng trọt) với quy mô 6.168 ha và 36.460 con bò sữa. Đồng thời, tiếp tục đưa vào quy hoạch bổ sung một số khu nông nghiệp công nghệ cao tập trung để thu hút các nhà đầu tư theo mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành với quy mô diện tích 1.918 ha.

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng nhấn mạnh, Lâm Đồng có nhiều tiềm năng lợi thế và đạt nhiều kết quả trong phát triển NNUDCNC và dịch vụ du lịch cũng như trên một số lĩnh vực khác. Vì vậy, Lâm Đồng sẵn sàng phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ để Cao Bằng học hỏi, áp dụng, phát triển tại địa phương.

Đồng chí Lại Xuân Môn – Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng phát biểu tại buổi làm việc

Đồng chí Lại Xuân Môn – Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lại Xuân Môn đã cảm ơn lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã tạo điều kiện, chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển NNUDCNC, phát triển dịch vụ du lịch và một số lĩnh vực khác. Đồng chí cũng nhận định một số lợi thế và thuận lợi tương đồng giữa tỉnh Cao Bằng và Lâm Đồng về lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, tỉnh Cao Bằng quyết tâm phát huy 5 lợi thế, tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược và tháo gỡ 3 điểm nghẽn để phát triển nhanh, bền vững. Đồng chí mong muốn các sở, ban ngành của 2 tỉnh tiếp tục tạo điều kiện, đặc biệt là đối với Cao Bằng cần nhanh chóng tiếp cận và phối hợp với các sở ban ngành của tỉnh Lâm Đồng học tập, đúc rút và triển khai ngay các kinh nghiệm của tỉnh bạn để áp dụng phát triển trên các lĩnh vực, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh nhà.

Dịp này, Đoàn công tác của tỉnh Cao Bằng cũng đã đi khảo sát, tham quan một số mô hình trồng rau, hoa công nghệ cao và chế biến tiêu thụ nông sản trên địa bàn Đà Lạt.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tham dự buổi làm việc

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tham dự buổi làm việc

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và Cao Bằng tặng quà và chụp hình lưu niệm

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và Cao Bằng tặng quà và chụp hình lưu niệm

DUY DANH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/202103/doan-cong-tac-tinh-cao-bang-trao-doi-kinh-nghiem-tai-tinh-lam-dong-3047017/