Đoàn công tác Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm việc tại Tuyên Quang
Sáng 25-7, tại Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang, Đoàn công tác Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác, nắm bắt tình hình hoạt động công tác hội và phong trào phụ nữ tại tỉnh Tuyên Quang.

Quang cảnh buổi làm việc.
Dự buổi làm việc có các đồng chí: Ma Thế Hồng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; đại diện các sở, ngành liên quan.
Sau hợp nhất tỉnh, bộ máy các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang được kiện toàn, từng bước sắp xếp ổn định, đảm bảo hoạt động thông suốt. Hiện nay, Hội có trên 335 nghìn hội viên, trong đó hơn 60% hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số.
Các hoạt động trọng tâm, phong trào thi đua yêu nước được điều chỉnh linh hoạt, tích hợp nội dung phù hợp với tình hình thực tế. Hoạt động nhận ủy thác với ngân hàng, các tổ chức tín dụng được triển khai đồng bộ, giúp hội viên phát triển kinh tế.

Đồng chí Ma Thế Hồng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Đến 30-6, dư nợ qua Ngân hàng CSXH tỉnh đạt hơn 3.000 tỷ đồng, qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hơn 1.500 tỷ đồng, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh tăng trưởng tích cực. Hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng quản lý và giám sát sử dụng vốn vay…
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị đã trao đổi, thảo luận về những vấn đề vướng mắc, khó khăn về thực hiện hoạt động Hội; khó khăn trong hoạt động nhận ủy thác cho vay vốn trong bối cảnh các cấp Hội vừa vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Đồng chí Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.
Cụ thể, nhiều xã thiếu đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhất là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ; chưa có chuyên viên phụ trách Hội Phụ nữ riêng, chủ yếu được hỗ trợ từ chuyên viên MTTQ xã, trong khi khối lượng công việc lớn, địa bàn rộng; nhiều nơi ở ghép với các đoàn thể khác; mô hình hoạt động mới chưa rõ ràng về phân cấp quản lý, chưa có sự thống nhất trong nhận thức và vận hành hoạt động nên cũng khó khăn trong công tác vay vốn…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Ma Thế Hồng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá cao tinh thần chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Hội trong việc bám sát Nghị quyết Đại hội Phụ nữ các cấp, chỉ đạo của Trung ương Hội, đồng thời linh hoạt cụ thể hóa nhiệm vụ chính trị của địa phương để triển khai nhiệm vụ công tác Hội một cách toàn diện, sáng tạo, hiệu quả.
Để công tác Hội, phong trào phụ nữ và công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ ủy thác với các ngân hàng phát triển tốt hơn trong thời gian tới, đồng chí đề nghị lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo sát sao, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của Hội LHPN cấp cơ sở; đảm bảo nội dung chất lượng, đổi mới, thực tiễn, sát với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới…
Qua buổi kiểm tra, trao đổi trực tiếp tại cơ sở và buổi làm việc với Hội Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang, đồng chí Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác Hội, kết quả thực hiện việc cho vay ủy thác tại địa phương.
Đồng chí đề nghị, Hội LHPN tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về tín dụng xã hội đến hội viên, phụ nữ, nhất là tại các địa bàn mới sau sáp nhập; triển khai tập huấn nghiệp vụ công tác hội; hỗ trợ hội viên sử dụng hiệu quả vốn vay thông qua các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tạo việc làm bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tập trung chuẩn bị tốt cho Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp…