Đoàn đại biểu Liên đoàn các nhà báo Thái Lan thăm, làm việc với Báo Đại biểu Nhân dân
Sáng 11.7, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội – 35 Ngô Quyền, Đoàn đại biểu Liên đoàn các nhà báo Thái Lan (CTJ) do Chủ tịch Hội đồng Báo chí Quốc gia Thái Lan, Cố vấn cấp cao CTJ Chavarong Limpattamapanee làm Trưởng đoàn đã đến thăm, làm việc với Báo Đại biểu Nhân dân, chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi các vấn đề liên quan đến hoạt động báo chí hiện đại, nhất là trong thời đại của nền công nghệ số, xã hội số.
Cùng đi có: Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; Phó Chủ tịch CTJ, Chủ tịch Hiệp hội Báo chí Địa phương Thái Lan Anan Ninmanont; Phó Chủ tịch Hiệp hội Báo chí Thái Lan Paladisai Sitthithanyakij; các thành viên CTJ; Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa báo chí Lê Mỹ Ái Linh; Phó Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam Trần Thị Hương Giang...
Về phía Báo Đại biểu Nhân dân có: Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền; các Phó Tổng Biên tập: Lê Thanh Kim, Nguyễn Thị Minh Hằng; cán bộ chủ chốt các phòng, ban và phóng viên, biên tập viên của Báo.
Bày tỏ vui mừng chào đón Đoàn tới thăm, làm việc với Báo Đại biểu Nhân dân, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền chúc Đoàn có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam thật nhiều ý nghĩa và thành công tốt đẹp.
Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, tuy chưa thăm chính thức Thái Lan nhưng Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có nhiều hoạt động tiếp xúc cấp cao với Lãnh đạo Thượng viện, Hạ viện Vương quốc Thái Lan. Tại các hoạt động tiếp xúc cấp cao với Lãnh đạo Thượng viện, Hạ viện Vương quốc Thái Lan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: Trải qua gần 5 thập kỷ hình thành và phát triển, được gìn giữ và vun đắp bởi các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ hữu nghị lâu đời giữa Việt Nam - Thái Lan đã trở thành tài sản vô giá đối với cả hai dân tộc. Với vị trí địa lý gần gũi và nhiều điểm tương đồng về văn hóa, xã hội, con người, đồng thời cùng là những thành viên chủ động, tích cực dưới mái nhà chung ASEAN, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với Thái Lan ngày càng sâu sắc, gắn bó.
Là Đối tác Chiến lược tăng cường, hợp tác giữa hai nước Việt Nam, Thái Lan trong thời gian gần đây không ngừng phát triển mạnh mẽ, toàn diện, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, tin cậy chính trị gia tăng. Hoạt động thương mại và đầu tư tiếp tục là điểm sáng và phát triển tích cực; giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân sôi động. Hai nước đã chia sẻ nhiều điểm tương đồng về các vấn đề khu vực và quốc tế; tích cực phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các thể chế, diễn đàn đa phương. Hợp tác kinh tế giữa hai nước diễn ra sôi động và ngày càng đi vào chiều sâu.
Nhấn mạnh lại nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền nêu rõ, quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Thái Lan tiếp tục được duy trì và phát triển tốt đẹp. Việt Nam và Thái Lan nói chung, cơ quan lập pháp hai nước nói riêng đã có mối quan hệ rất tốt đẹp, mật thiết và lâu đời; thống nhất, tăng cường hơn nữa trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao và các cấp bằng hình thức phù hợp, tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền vui mừng được biết CTJ cũng là thành viên sáng lập của Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ), bên cạnh hội nhà báo các nước: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam. Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Liên đoàn là đấu tranh cho quyền tự do báo chí, bao gồm cả chiến dịch xóa bỏ Luật 42, một trong điều luật báo chí được xem là hà khắc nhất ở Thái Lan vào năm 1989. Liên đoàn cũng đóng vai trò tích cực trong quá trình soạn thảo Hiến pháp năm 1997 nhằm bảo đảm quyền tự do báo chí và hỗ trợ công tác thành lập Hội đồng Báo chí Quốc gia Thái Lan.
Giới thiệu chung về Báo Đại biểu Nhân dân, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, Báo Đại biểu Nhân dân là Tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cử tri; là báo loại I tương đương cấp Tổng cục trực thuộc Văn phòng Quốc hội. Là tờ báo chính trị vô cùng vinh dự được Chủ tịch Quốc hội Khóa XII Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) ký Nghị quyết 816/2009/UBTVQH12 nâng cấp và đổi tên Báo Người đại biểu nhân dân thành Báo Đại biểu Nhân dân, báo loại I, cấp Tổng cục.
Báo Đại biểu Nhân dân là 1 trong 12 cơ quan báo chí chính trị chủ lực của quốc gia; có chức năng thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là tuyên truyền các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…
Báo Đại biểu Nhân dân hiện có hai ấn phẩm chính là Báo in, Báo Điện tử và các ấn phẩm phụ theo hình thức đặt hàng. Báo Điện tử có chuyên mục Tiếng Anh. Ngoài công tác thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, Báo Đại biểu Nhân dân còn tổ chức nhiều hoạt động kinh tế báo chí để tăng thêm nguồn thu: như tổ chức các Hội thảo, tọa đàm, giao lưu trực tuyến, tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể thao….
Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, ngày 5.10.2023, Báo Đại biểu Nhân dân sẽ kỷ niệm 35 năm thành lập. Trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, từ một tờ tạp chí (5.10.1988), đến tuần báo (2002) và nhật báo (2006), Báo Đại biểu Nhân dân cùng các cơ quan báo chí cả nước phát huy ngày càng hiệu quả vai trò là “cầu nối” tin cậy giữa Quốc hội với cử tri và Nhân dân, là phương thức hữu hiệu truyền tải những chủ trương, đường lối của Đảng được Quốc hội thể chế hóa cũng như lan tỏa các thông điệp quan trọng, những nội dung Quốc hội xem xét, quyết định đến với cử tri và Nhân dân. Đồng thời, phản ánh trung thực “hơi thở” của cuộc sống tại diễn đàn Quốc hội và là kênh để cử tri, Nhân dân giám sát hoạt động của Quốc hội nói riêng, của các cơ quan nhà nước nói chung. Qua đó, không những góp phần quan trọng để hoạt động của Quốc hội ngày càng minh bạch, dân chủ và gần với dân hơn, mà còn phát huy vai trò giám sát của người dân đối với hoạt động của cơ quan đại biểu cao nhất của dân.
35 năm không ngừng phát triển và khẳng định vị thế, Báo Đại biểu Nhân dân luôn nỗ lực bền bỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao, Lãnh đạo Quốc hội ghi nhận và luôn được cử tri, độc giả yêu quý. Dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng Báo vẫn nỗ lực duy trì và tăng lượng phát hành Báo in tới 63 tỉnh, thành cả nước.
Bên cạnh Báo in, Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân đã khẳng định được thương hiệu vững vàng trong làng báo với đầy đủ các nền tảng số như: Fanpage, Tiktok, Youtube, thu hút lượng theo dõi và truy cập nhiều, phát huy vai trò của kênh truyền thông vệ tinh, lan tỏa nhanh các thông tin, ghi dấu ấn với độc giả bằng các thông tin thời sự Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các thông tin dân sinh nổi bật.
Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân mong muốn được lắng nghe những chia sẻ, trao đổi của CTJ về những kinh nghiệm trong việc: bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ báo chí; thúc đẩy quyền tự do báo chí một cách có trách nhiệm, tăng cường phúc lợi và ủng hộ quyền lợi hợp pháp của các phóng viên - nhà báo; khẳng định vai trò và trách nhiệm của báo chí đối với sự ổn định, thịnh vượng trong xã hội… Qua đó, nhằm tăng cường hiểu biết, gắn kết giữa 2 cơ quan; đồng thời, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa Việt Nam - Thái Lan.
Trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Báo Đại biểu Nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Báo chí Quốc gia Thái Lan, Cố vấn cấp cao CTJ Chavarong Limpattamapanee nêu rõ, Báo Đại biểu Nhân dân là một trong những tờ báo chính trị đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam. Quốc hội Thái Lan cũng có cơ quan báo chí riêng là Báo phát thanh và truyền hình Quốc hội, đến nay đã phát hành trên toàn quốc. Báo phát thanh và truyền hình Quốc hội Thái Lan cũng là thành viên thuộc CTJ. Hiệp hội báo chí phát thanh Thái Lan trực thuộc CTJ cũng gửi chuyên gia đến tập huấn và hỗ trợ để cơ quan báo chí này hoạt động hiệu quả hơn.
Chia sẻ về phương thức tập huấn và đào tạo cho các nhà báo tác nghiệp nội dung chính trị, Chủ tịch Chavarong Limpattamapanee cho biết, CTJ không có khóa đào tạo riêng về mảng chính trị nhưng các nhà báo tham gia đưa tin tại Quốc hội hay Văn phòng Chính phủ sẽ có khóa tập huấn riêng về: kiến thức cơ bản về hệ thống chính trị của đất nước; cách thức phỏng vấn, đưa tin, viết bài; đạo đức làm báo…
Liên quan đến bảo đảm phúc lợi và sự an toàn cho những người làm báo, Chủ tịch Chavarong Limpattamapanee cho biết, một số cơ quan báo chí của Thái Lan đã có tổ chức công đoàn tuy nhiên hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Chính vì vậy, CTJ hay những thành viên của Hiệp hội trực thuộc CTJ sẽ tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của những người làm báo, nhất là với các nhà báo phải làm việc trong tình huống có tính chất nguy hiểm. Cụ thể, những nhà báo sẽ có biểu tượng đeo ở tay để các lực lượng an ninh nhận biết, bảo vệ và mọi người không làm nguy hại đến họ. Mặt khác, CTJ yêu cầu các cơ quan báo chí cung cấp thiết bị bảo đảm an toàn cho nhà báo, phóng viên trong những tình huống như vậy. CTJ có chương trình tập huấn về đưa tin trong các tình huống nguy hiểm, thiên tai, bão lũ và tiến hành được 10 năm nay; bảo đảm an toàn cho người làm báo là nội dung được chú trọng hàng đầu khi tập huấn.
Chủ tịch Chavarong Limpattamapanee hy vọng, sau buổi làm việc, CTJ và Báo Đại biểu Nhân dân sẽ có sự hợp tác sâu rộng hơn, phát huy vai trò cầu nối giữa các cơ quan báo chí của Quốc hội hai nước.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cảm ơn sự chia sẻ của Chủ tịch Chavarong Limpattamapanee về những đặc thù công việc cũng như công tác bồi dưỡng, tập huấn cho những người làm báo Thái Lan.
Nhấn mạnh đối với bất kỳ quốc gia nào, thông tin về chính trị, nghị trường Quốc hội luôn được dư luận quan tâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo cũng chia sẻ, hiện nay một trong những chức năng quan trọng của Hội nhà báo Việt Nam là đào tạo nghiệp vụ báo chí, đây cũng được coi là nhiệm vụ hàng đầu đối với tất cả các cơ quan báo chí, nhất là trong giai đoạn hiện nay phải hướng tới đào tạo nghiệp vụ báo chí trong thời đại số, kỷ nguyên 4.0.
Về bảo vệ quyền lợi, an toàn của những người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đang tổ chức những lớp đào tạo kỹ năng cho người làm báo trong những tình huống nguy hiểm. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn Hội Nhà báo Việt Nam nói chung, Báo Đại biểu Nhân dân nói riêng sẽ cùng CTJ đẩy mạnh tăng cường hợp tác hơn nữa trong việc tập huấn chuyên môn nghiệp vụ báo chí và bảo vệ quyền lợi của những người làm báo.
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ kinh nghiệm hết sức sâu sắc và hữu ích của đại diện CTJ, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền tin tưởng, thông qua Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Đại biểu Nhân dân và CTJ sẽ có những hoạt động thiết thực giúp phát triển và gắn kết mối quan hệ hai bên.