Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang: Chất vấn về lĩnh vực nông nghiệp
(ABO) Ngày 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn (gọi tắt là Phiên họp) xoay quanh 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tư pháp và lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến tại 62 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.
Tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang, tham dự Phiên họp có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh; Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tạ Minh Tâm; các ĐBQH đơn vị tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh...
Về nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tư pháp, Phiên họp xoay quanh việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ, thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật...; thực trạng và giải pháp về việc nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản và giám định tư pháp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật ở các bộ, cơ quan ngang bộ; chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc đảm bảo tiến độ, chất lượng chuẩn bị các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiện tại, Bộ Tư pháp đang xây dựng, chuẩn bị trình Chính phủ, Quốc hội các đề nghị, dự án luật như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Công chứng; Luật Thi hành án dân sự, Luật Giám định tư pháp...
Còn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực NN&PTNT, Phiên họp tập trung các vấn đề về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản; việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.
Tham gia chất vấn tại Phiên họp, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm đề nghị Bộ trưởng NN&PTNT cho biết hiệu quả công tác thông tin, dự báo tình hình nông sản và công tác quy hoạch để đảm bảo sản xuất, quy chuẩn xuất khẩu trong thời gian qua, trách nhiệm của Bộ NN&PTNT cũng như Bộ Công thương trong thời gian tới để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Việt?
Đồng thời, đại biểu Tạ Minh Tâm đề nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương cho biết trách nhiệm và định hướng trong thời gian tới nhằm thúc đẩy hoạt động tiêu thụ lúa - gạo, gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long?
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 “biến” lớn: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Trong điều kiện thế giới thay đổi hằng ngày, hằng giờ, những xung đột, những chính sách của các nước thay đổi liên tục, tính dự báo khó có thể cầu toàn, mà cần có sự linh hoạt ngắn hạn. Do đó, sự kỳ vọng vào việc dự báo cần có giới hạn nhất định. Những dự báo tầm dài hạn cần nỗ lực đảm bảo tính chính xác, tuy nhiên những dự báo ngắn hạn có sự thay đổi liên tục...
Liên quan về vấn đề an ninh lương thực, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng cũng đã có Công điện chỉ đạo khi nảy sinh vấn đề mất an ninh lương thực hoặc khi một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo làm nảy sinh cơ hội, thời cơ cho chúng ta. Bộ trưởng đề nghị, trong tình hình như vậy, cần có thái độ bình tĩnh, vì mọi vấn đề đều có thể phát sinh mặt trái nếu không quản lý tốt, nếu chỉ phân tích một khía cạnh, một phía, thì sẽ không có được cái nhìn toàn diện.
Riêng về Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng cho biết, có đến khoảng 300 ngày trong năm thực hiện xuống giống, do đặc thù xuống theo con nước, nước rút tới đâu xuống giống tới đó, nên không có mùa vụ rõ rệt như ở miền bắc, mà thực hiện xuống giống liên tục. Do vậy, vấn đề gối vụ, tính toán vụ hè thu, thu đông đối với Đồng bằng sông Cửu Long chỉ mang giá trị thống kê. Trong điều kiện hiện nay, nếu không có thiên tai, với tình hình biến đổi khí hậu ổn định như mấy năm qua, chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo tiêu dùng trong nước cũng như sản lượng xuất khẩu...
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận các ĐBQH đã chuẩn bị kỹ các câu hỏi có chất lượng, phản ánh sát thực tế và đời sống, nguyện vọng của cử tri. Các bộ trưởng và trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn với tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách, đã giải trình làm rõ thực trạng và đề xuất được nhiều giải pháp đối với các vấn đề chất vấn. Đồng thời, đối với các lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, các giải pháp đã đề ra trong thời gian tới sẽ có nhiều chuyển biến rõ nét, vươn lên tầm cao mới, đi vào thực chất hơn...