Đoàn đại biểu Quốc hội Lâm Đồng giám sát về xâm hại trẻ em tại địa phương

Sáng ngày 20/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã có chương trình giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Buổi làm việc dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Tạo - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa.

Toàn cảnh buổi giám sát của Đoàn ĐBQH với UBND tỉnh và các sở, ngành

Toàn cảnh buổi giám sát của Đoàn ĐBQH với UBND tỉnh và các sở, ngành

Theo báo cáo UBND tỉnh, Lâm Đồng hiện có khoảng 158 trẻ em bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục là 114 em. Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em chủ yếu ở độ tuổi từ 13 đến 16 tuổi, đa phần các em có hoàn cảnh đặc biệt. Tác động và hậu quả là có 06 trẻ em bị rối loại tâm thần, 14 trẻ em có thai. Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại chủ yếu là người quen biết, người thân thích.

Các thành viên đoàn giám sát đã phản ánh, nêu lên những tồn tại trong lĩnh vực này như: Qua phản ánh của cử tri, báo chí và tình hình thực tiễn của địa phương, báo cáo của UBND tỉnh và các địa phương, sở, ngành còn thiếu một số số liệu thống kê như số trẻ em trong độ tuổi đi học nhưng không được đến trường phải tham gia lao động trái pháp luật, số trẻ em bỏ nhà đi lang thang, trẻ em có cha mẹ ly hôn; chưa so sánh, đánh giá công tác thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em giữa hai giai đoạn 2011 - 2015 và 2015 đến nay.

Đoàn giám sát cũng đã ghi nhận các kiến nghị của địa phương và sẽ tổng hợp, có văn bản kiến nghị đến từng cơ quan cụ thể đảm bảo sớm hoàn thiện các quy chế, chế định của pháp luật. Kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi Luật Trẻ em theo hướng quy định những chế tài, chính sách ưu tiên nhiều hơn cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Xem xét quy định tổ chức của Quỹ Bảo trợ Trẻ em một cách hợp lý, đảm bảo hiệu quả trong huy động và hoạt động của Quỹ ở địa phương cấp huyện, thành phố thuộc tỉnh. Kiến nghị xem xét sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng tăng mức hình phạt đối với tội xâm hại tình dục trẻ em nhất là các tội có tính chất rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng (xâm hại tình dục trẻ nhỏ tuổi, trẻ bị khuyết tật, tâm thần, hiếp dâm nhiều lần làm nạn nhân có thai, tự tử...).

Đoàn cũng đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh, xem xét tăng mức phân bổ ngân sách hàng năm cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ chăm sóc trẻ em tương xứng với yêu cầu công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em tại địa phương.

Đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí sự nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em; dành nguồn lực thỏa đáng cho việc đầu tư thiết chế văn hóa, thông tin và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em; hỗ trợ các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc, phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt quan tâm đến các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/201909/doan-dai-bieu-quoc-hoi-lam-dong-giam-sat-ve-xam-hai-tre-em-tai-dia-phuong-2964855/