Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tham gia góp ý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, ngày 25-10, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Đồng thời, Quốc hội tổ chức thảo luận tại tổ để lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn, các đại biểu và khách mời đã đóng góp nhiều ý kiến vào một số điều, khoản của dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Theo đó, các đại biểu Quốc hội tỉnh đồng tình và thống nhất cao với việc tiến hành sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm sau 20 năm thực hiện để phù hợp với điều kiện thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị cần phải sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số nội dung không cần thiết.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Châu Ngọc Tuấn cho rằng: “Hiện nay, có 2 loại hình bảo hiểm bắt buộc cần phải thuyết minh, làm rõ phạm vi bảo hiểm của từng sản phẩm bảo hiểm bắt buộc, việc đáp ứng tiêu chí về bảo hiểm bắt buộc để có cơ sở tiếp tục thảo luận. Tôi cũng thống nhất với các quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật hướng tới đối tượng thu nhập thấp, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi, vùng cao nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro có thể xảy ra. Đối với vấn đề hiệu lực thi hành của Luật tại Điều 156, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các biện pháp quản lý trong trường hợp sau 5 năm, các doanh nghiệp bảo hiểm không thực hiện đầy đủ các quy định tại dự thảo Luật thì sẽ như thế nào?”.
Còn đại biểu Đinh Văn Thê-Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-đề nghị: “Doanh nghiệp tái bảo hiểm đã được quy định tại Khoản 1, Điều 76 dự thảo và phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi thay đổi. Do đó, việc thông báo trước khi thay đổi điều lệ hoạt động sẽ dẫn đến phát sinh thêm thủ tục cho doanh nghiệp. Do vậy, tôi đề xuất nghiên cứu nên bỏ Điểm a, khoản 2, Điều 76 của dự thảo Luật hoặc có thể quy định về việc đăng tải thông tin điều lệ sửa đổi, bổ sung của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm trên mạng thông tin điện tử của doanh nghiệp. Tôi cũng đề nghị cơ quan soạn thảo thuyết minh rõ phạm vi bảo hiểm của từng sản phẩm bảo hiểm bắt buộc, việc áp dụng tiêu chí về bảo hiểm bắt buộc có thể đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung, tên gọi của sản phẩm bảo hiểm để phù hợp với thực tế”.
“Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 117 của dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) quy định: “…Đối với các tổ chức hoạt động trong ngành kinh doanh có điều kiện thì giấy phép, giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận khác (nếu có) của cơ quan có thẩm quyền có nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm” nêu trong khoản này chưa thể hiện rõ nội dung cần quản lý. Giấy phép, giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đối với tổ chức hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện thường không có liên quan hoặc không đề cập đến hoạt động đại lý bảo hiểm. Do đó, tôi đề xuất bỏ nội dung quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 117 của dự thảo Luật này”-đại biểu Rơ Châm H’Phik-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh-nêu.
Cũng trong chương trình làm việc ngày 25-10, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Các đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về việc bổ sung trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo tội phạm cho Công an xã. Việc bổ sung trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho Công an xã là không mâu thuẫn với quy định của Luật Công an nhân dân. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần giải trình rõ hơn về năng lực đáp ứng nhiệm vụ này của lực lượng Công an xã, cả về số lượng và khả năng chuyên môn nghiệp vụ cũng như các điều kiện cần thiết khác.
Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, các đại biểu đều thống nhất và cho rằng, việc tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê là rất cần thiết nhằm đảm bảo thống nhất, khách quan số liệu từ Trung ương đến địa phương cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị điều chỉnh, sửa đổi một số chỉ tiêu theo từng nhóm, ngành, lĩnh vực nhằm cung cấp thông tin, số liệu một cách khách quan nhất. Từ đó, làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cũng như của từng ngành, lĩnh vực, địa phương.