Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận về tình hình KT-XH và cơ cấu lại nền kinh tế
Tại buổi thảo luận ở tổ về KT-XH, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia của năm... Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đã có những ý kiến đóng góp tâm huyết, quan trọng.
Sáng nay (2/11), Quốc hội bắt đầu họp đợt 2, Kỳ họp thứ 10 với hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội. Sau khi nghe các báo cáo, Quốc hội thảo luận ở tổ về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia của năm và giai đoạn... Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh thảo luận tổ cùng các tỉnh Vĩnh Long, Lai Châu, Bắc Kạn. Ảnh: quochoi.vn
Phát biểu tại tổ, các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh bày tỏ sự thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ và Thẩm tra của các cơ quan Quốc hội; nhiệm kỳ qua phát triển đất nước trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng đan xen những khó khăn, thách thức lớn, nhìn chung kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân; các lĩnh vực VH-XH, QP-AN, đối ngoại tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực; dịch bệnh được kiểm soát và KT-XH có bước phục hồi, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tuy vậy, các đại biểu cũng nêu lên những khó khăn, hạn chế của giai đoạn như đại dịch vào năm cuối của nhiệm kỳ nên nhiều chỉ tiêu quan trọng đề ra chưa đạt kế hoạch, nhất là GDP bình quân đầu người còn rất thấp so mục tiêu đề ra (2.750/3.200 USD/người); các mục tiêu chạy theo số lượng nhưng chất lượng còn nhiều vấn đề…
Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại buổi thảo luận
Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn cho rằng, việc thực hiện sáp nhập, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính và tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đến nay đã đạt được những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng việc thiếu nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng về địa giới hành chính, tổ chức bộ máy nhà nước dẫn đến thường xuyên thí điểm các mô hình hợp nhất, chia tách gây xáo trộn, thiếu thống nhất; nhiều địa phương đã hoàn thành tiêu chí NTM nhưng khi sáp nhập lại thì xẩy ra tình trạng vừa thừa vừa thiếu các thiết chế cơ sở, thiếu tính ổn định. Sau sáp nhập quy mô các xã, các thôn lớn hơn, số cán bộ hoạt động giảm đi, khối lượng công việc tăng nhưng Nghị định số 34/2019/NĐ-CP lại quy định chế độ chính sách sử dụng “bồi dưỡng” từ đoàn phí, hội phí đoàn là không phù hợp. Vì vậy, đại biểu kiến nghị cần có sự đồng bộ về địa giới hành chính, bộ máy, chính sách đặc biệt là cấp cơ sở vì minh chứng thực tế qua đợt bão lũ vừa qua thì cấp cơ sở là cấp quan trọng nhất trong triển khai thực hiện “4 tại chỗ”.
Bàn về kế hoạch năm 2021 và 5 năm 2021-2025, đại biểu Nguyễn Văn Sơn nhất trí về mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu tại buổi thảo luận
Tham gia góp ý sâu kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng các nhiệm vụ và chỉ tiêu đặt ra là tổng thể cho cả nước, còn kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế ở nhiều địa phương chưa xác định rõ trọng tâm phù hợp với trình độ phát triển, thế mạnh của từng nơi và chưa tạo được bước đột phá.
Liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo, khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền lớn. Phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Đại biểu đề nghị cần có sự giám sát chặt hơn về lộ trình thực hiện tái cơ cấu, các địa phương cần có kế hoạch quy hoạch, cơ cấu lại ngành, vùng lãnh thổ một cách hệ thống.
Đối với kết quả cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đánh giá tiến độ triển khai còn rất chậm, chỉ mới tập trung vào việc sắp xếp, thu gọn số lượng; hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực được giao. Mô hình quản trị doanh nghiệp chậm đổi mới, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Một số khó khăn, vướng mắc về thể chế chưa được giải quyết, nhất là thể chế định giá đất đai, tài sản...