Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang thảo luận tại tổ về điều chỉnh, ban hành nghị quyết của Quốc hội

BHG - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 27.10, Quốc hội họp tại hội trường nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Sau hai nội trung trên, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24.11.2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Thảo luận tại tổ 6, đại biểu Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội và đại biểu Tráng A Dương, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang tham gia một số ý kiến.

Các đại biểu họp tại tổ 6

Các đại biểu họp tại tổ 6

Thảo luận về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24.11.2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng việc chậm thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành khiến tiến độ triển khai chậm, gây lãng phí nguồn lực lớn. Đại biểu yêu cầu cần thông tin rõ về nguyên nhân các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng dự án này.

Về việc triển khai tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất cho dự án, theo đại biểu, trong Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành chưa làm rõ được trách nhiệm pháp lý, tính chính xác, trung thực của số liệu theo quy định, nguyên nhân tiến độ, việc tăng giảm tổng mức đầu tư dự án. Cần làm rõ trách nhiệm triển khai là tỉnh Đồng Nai hay Chính phủ.

Theo đại biểu, ngoài các nguyên nhân khách quan được chỉ ra, cần chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan. Phải nhận diện được nguyên nhân chủ quan mới có thể chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả. Đại biểu cũng cho ý kiến về đề xuất kéo dài thời gian giải ngân vốn của dự án này.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh cũng bày tỏ băn khoăn với kết quả thể hiện trong báo cáo đánh giá tổ chức phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân vùng dự án với những con số rất khiêm tốn. Đánh giá nhu cầu việc làm của dự án sau khi hoàn thành sẽ thu hút được bao nhiêu lao động của tỉnh Đồng Nai vẫn chưa có.

Liên quan đến Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng hiện mới chú trọng nhiều tới việc đầu tư dự án mà chưa quan tâm nhiều tới việc khai thác sau khi hoàn thành; cách thức hỗ trợ của Nhà nước trong các dự án đối tác công - tư chưa thực sự phát huy được lợi thế. Đề nghị không nên giới hạn tỷ lệ phần trăm vốn Nhà nước trong các dự án theo hình thức đối tác công - tư bởi nhu cầu vốn của các dự án là khác nhau.

Đại biểu đề nghị Nghị quyết cần xác định rõ việc bố trí vốn từ các nguồn như tăng thu hoặc giai đoạn đầu tư công trung hạn; bổ sung về tiêu chí, nguyên tắc và cơ quan có thẩm quyền thực hiện đề xuất đầu tư các dự án; quy định rõ các dự án thí điểm ngay trong dự thảo Nghị quyết để tránh việc tùy tiện áp dụng cơ chế đặc thù này.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Tráng A Dương đề nghị bổ sung thêm 2 tiêu chí trong Điều 3 về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm là tiêu chí về phương án thu hồi đất, bồi thường tái định cư các dự án và tiêu chí về trách nhiệm trong công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng các dự án của cơ quan và địa phương của cơ quan không được giao làm chủ đầu tư dự án

Tại Điều 6, quy định về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương, theo đại biểu, cần xem xét nội dung sử dụng ngân sách địa phương này để bố trí cho địa phương khác. Nếu Hội đồng Nhân dân địa phương này không đồng ý sử dụng ngân sách cho địa phương khác sẽ như thế nào?

Tại Điều 7 về cơ chế đặc thù khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, theo đại biểu, cần làm rõ quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý giám sát, cơ quan chủ quản đầu tư hay chính quyền địa phương nơi có điểm mỏ khai thác khoáng sản để làm rõ trách nhiệm quản lý của địa phương, tránh tình trạng tiêu cực, trục lợi, thất thoát, lãng phí.

Duy Tuấn (tổng hợp)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202310/doan-dbqh-khoa-xv-don-vi-tinh-ha-giang-thao-luan-tai-to-ve-dieu-chinh-ban-hanh-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-fdc0d4f/