Đoàn ĐBQH Lâm Đồng khảo sát về thực hiện công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật
Sáng 5/10, tại Cục Thi hành án Dân sự tỉnh, Đoàn khảo sát của Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc với Sở Tư pháp và Cục Thi hành ân Dân sự tỉnh về tình hình thực hiện công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án một số cơ quan khối Nội chính tỉnh.
Đoàn khảo sát do ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội làm trưởng đoàn, cùng chủ trì có ông Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; ông Tôn Thiện Đồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng: K' Nhiễu - Phó Chánh Văn phòng Sở Khoa học và Công nghệ, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội; Trịnh Thị Tú Anh - Trưởng phòng Quản lý Khoa học - Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Đà Lạt, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Tham dự đoàn khảo sát còn có các cán bộ Ban Pháp chế HĐND tỉnh; cán bộ, chuyên viên văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND tỉnh; lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên Sở Tư pháp, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh.
Chương trình khảo sát được thực hiện nhằm giúp ĐBQH, Đoàn ĐBQH đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc và xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của một số cơ quan khối nội chính.
Qua khảo sát, Đoàn ghi nhận ý kiến, kiến nghị, những khó khăn của các sở, ngành để kiến nghị các cơ quan Trung ương, địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn. Đoàn sẽ tổng hợp báo cáo kết quả giám sát, khảo sát với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV sắp tới.
Tại buổi làm việc, đoàn đã nghe đại diện Sở Tư pháp, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh báo cáo kết quả hoạt động theo yêu cầu của Đoàn. Nhìn chung, công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật được Sở Tư pháp tiến hành thường xuyên, khoa học, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật, sở đã thường xuyên đôn đốc hướng dẫn các sở, ban, ngành rà soát văn bản do HĐND thông qua, UBND tỉnh ban hành còn hiệu lực thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. Trong đó, chú trọng rà soát các cơ chế, chính sách pháp luật quy định chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không còn phù hợp để tham mưu hướng xử lý nhằm đảm bảo tính đồng bộ, khả thi, phù hợp thực tế địa phương.
Cụ thể, từ ngày 1/9/2020 đến ngày 31/8/2021, Sở Tư pháp đã rà soát 56 văn bản. Tình hình chấp hành pháp luật, quản lý nhà nước trong hoạt động bổ trợ tư pháp, các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, công chứng, thừa phát lại đều thực hiện đúng quy định của pháp luật. Các quy chế hoạt động cũng như quy tắc đạo đức hành nghề của các tổ chức hành nghề cơ bản đảm bảo về tổ chức, nhân sự, đáp ứng yêu cầu về nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng hành nghề. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các tổ chức hành nghề vẫn còn sai sót, qua thanh tra, kiểm tra đã hướng dẫn chấn chỉnh, một số văn phòng công chứng bị cơ quan thuế phạt tiền. Đặc biệt, có trường hợp vi phạm pháp luật bị truy cứu trách nhiệm hình sự 2 công chứng viên, 1 luật sư bị kỷ luật khiển trách.
Về công tác theo dõi thi hành về xử lý vi phạm hành chính trong năm qua đã có 78.125 quyết định xử phạt, đã thi hành 59.198 quyết định, tổng số tiền phạt thu được hơn 116 tỷ đồng. Vi phạm chủ yếu trên lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, giao thông, đất đai, lâm nghiệp, tài nguyên môi trường, xây dựng, kinh doanh... Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng việc triển khai theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ.
Phía Cục Thi hành án Dân sự tỉnh đã thực hiện nhiệm vụ chỉ tiêu thi hành án từ 1/10/2020 - 30/9/2021 đã giải quyết 16.139 việc. Tổng số phải thi hành án là 16.018 việc. Đã thi hành xong 9.650 việc/12.118 việc có đủ điều kiện, đạt tỷ lệ 79,63%, tăng 5,26% so cùng kỳ. Kết quả giải quyết vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng với 248 việc phải thi hành, đã thi hành được 49/169 việc có điều kiện thu được trên 288 tỷ cho ngân sách nhà nước. Thực hiện thi hành 5 vụ án trọng điểm, 6 vụ án tham nhũng; trong đó, 4 vụ án có điều kiện với số tiền trên 14 tỷ đồng, 2 việc chưa có điều kiện với số tiền trên 27 tỷ đồng. Kết quả đã thi hành xong 2/4 việc… Toàn tỉnh thực hiện cưỡng chế 369 trường hợp. Nhìn chung, việc cưỡng chế được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, cấp ủy chính quyền địa phương quan tâm, được xã hội đồng thuận, không để xảy ra điểm nóng.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn đã đặt câu hỏi về một số nguyên nhân hạn chế, vướng mắc và các đơn vị khảo sát thực hiện giải trình, đáp ứng yêu cầu.
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo nhấn mạnh: Về cơ bản, tình hình thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ của 2 đơn vị Sở Tư Pháp và Cục Thi hành án Dân sự tỉnh đều thực hiện tốt, khá hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Trong thời gian tới, đề nghị các đơn vị cần có biện pháp khắc phục triệt để; tăng cường công tác kiểm tra chuyên đề để giảm bớt trách nhiệm của thi hành án; tăng cường vai trò của chấp hành viên, hạn chế thấp nhất tồn đọng trong thi hành án; hướng đến thu hồi tài sản tốt nhất cho ngân sách nhà nước.
Đoàn khảo sát cũng ghi nhận, tiếp thu các kiến nghị của 2 đơn vị trong kiến nghị bộ, ngành Trung ương tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính cho cán bộ, công chức có thẩm quyền xử phạt ở địa phương, nhất là các lĩnh vực phức tạp như thương mại, quản lý thị trường, quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, quản lý bảo vệ rừng, giao thông, phân bón, cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính. Kiến nghị Bộ Tư pháp triển khai xây dựng và cập nhật thông tin, quản lý khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính đảm bảo theo Nghị định 20/2016 của Chính phủ. Kiến nghị Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ, Quốc hội sớm thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án Dân sự nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập trong quá trình tổ chức thi hành án. Đề xuất HĐND - UBND cấp huyện quan tâm, tạo điều kiện về kinh phí để triển khai nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật nói chung…