Đoàn ĐBQH Long An lấy ý kiến các dự án luật về hoạt động tương trợ tư pháp
Chiều 14/4, bà Lê Thị Song An - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An chủ trì hội nghị đóng góp ý kiến đối với 4 dự án Luật (Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Tương trợ tư pháp về hình sự và Luật Dẫn độ).
Tại phiên họp, các đại biểu nghe các Tờ trình tóm tắt về 04 dự án Luật gồm: Luật Dẫn độ, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Huỳnh Phong - Hùng Anh
Đối với dự án Luật Dẫn độ, mục đích của việc xây dựng Luật Dẫn độ là hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài; bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước trong lĩnh vực dẫn độ; tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về dẫn độ.
Dự thảo Luật Dẫn độ dự kiến gồm 05 chương và 45 Điều, trong đó, sửa đổi 19 Điều, bổ sung 10 Điều và cắt giảm 01 Điều so với Luật TTTP trong lĩnh vực dẫn độ. Luật Dẫn độ quy định nguyên tắc, thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện dẫn độ và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước của Việt Nam trong dẫn độ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Văn Xưởng, Chủ tịch Hội Luật Gia tỉnh Long An góp ý một số nội dung của dự thảo Luật Dẫn độ. Điều 13 dự thảo Luật quy định: Thông báo không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ. Khoản 1, dự thảo Luật quy định: Căn cứ ý kiến của Chủ tịch nước, Bộ Công an hoặc Bộ Ngoại giao thông báo cho nước ngoài về việc không thi hành hình phạt tử tình. Ông Đặng Văn Xưởng đề nghị sửa lại theo hướng giao Bộ Công an (Cơ quan trung ương về dẫn độ), thống nhất với Bộ Ngoại giao (vì hồ sơ yêu cầu dẫn độ có thể được chuyển qua kênh ngoại giao) và thông báo cho nước ngoài về việc không thi hành hình phạt tử hình. Quy định như vậy cho phù hợp với nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan giải quyết hoặc chủ trì, phối hợp giải quyết.
Liên quan đến quyết định dẫn độ cho nước ngoài tại điểm đ khoản 3, dự thảo Luật quy định “Hội đồng quyết định dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ” là chưa đủ rõ. Quy định này chỉ thể hiện theo trình tự, chưa quy định Hội đồng quyết định theo cơ chế nào.

Đại biểu Lê Thị Song An - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Huỳnh Phong - Hùng Anh
Về dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, mục đích của việc ban hành Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là hoàn thiện pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo hướng nhân đạo, toàn diện, cụ thể, đồng bộ, thống nhất, khả thi, ổn định, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; giúp bảo đảm tốt hơn quyền con người của người đang chấp hành án phạt tù; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Dự thảo Luật gồm 5 chương, 45 Điều. So với quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 trong lĩnh vực chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dự thảo Luật sửa đổi 14 Điều, xây dựng mới 18 Điều, bỏ 01 Điều và 02 quy định.
Tương tự, Luật Tương trợ tư pháp về dân sự và Luật Tương trợ tư pháp về hình sự cũng được cấu trúc thành 5 chương, với lần lượt 36 Điều và 45 điều. Mục đích xây dựng Luật là hoàn thiện pháp luật TTTPDS theo hướng hiện đại, khả thi, thúc đẩy hợp tác quốc tế, hỗ trợ quy trình giải quyết các vụ việc dân sự (theo nghĩa rộng) và vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài được nhanh chóng, chính xác và hiệu quả; giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng có liên quan, tăng cường khả năng thực hiện quyền tiếp cận công lý của người dân; tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về TTTPDS.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã bày tỏ sự nhất trí cao về sự cần thiết ban hành các dự án luật. Các đại biểu nhận định rằng, các luật mới sẽ góp phần giải quyết những khó khăn và bất cập đang tồn tại trong quá trình thực thi chính sách và pháp luật hiện nay.
Qua các ý kiến tham vấn, đại biểu Lê Thị Song An ghi nhận những ý kiến đóng góp đầy trách nhiệm từ các sở, ban, ngành của tỉnh Long An. Đại biểu Lê Thị Song An khẳng định, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An sẽ tiếp thu và tổng hợp đầy đủ các ý kiến này để trình lên Quốc hội. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu và thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sắp tới./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=93508