ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC GIANG KHẢO SÁT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

Ngày 02/8, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang tổ chức khảo sát đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về dân chủ ở cơ sở và lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại thị trấn Vôi và xã Tân Dĩnh (Lạng Giang).

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang làm việc tại thị trấn Vôi (Lạng Giang).

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang làm việc tại thị trấn Vôi (Lạng Giang).

Đồng chí Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang làm trưởng đoàn. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh và một số phòng, ban huyện Lạng Giang.

Tại các nơi khảo sát cho thấy, các xã, thị trấn tổ chức tốt việc quán triệt, tuyên truyền văn bản pháp luật về dân chủ ở cơ sở thông qua nhiều hình thức. Việc thực hiện dân chủ từng bước đi vào nền nếp, những hoạt động liên quan đến tập thể đều được đưa ra bàn bạc công khai với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Các nội dung công khai được niêm yết tại trụ sở chính quyền gồm: Phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức; đối tượng, mức thu các loại phí; quy định của pháp luật về thủ tục hành chính, giải quyết công việc liên quan đến nhân dân…

Nhiều nội dung được nhân dân bàn và quyết định trực tiếp như: Tham gia ý kiến, lấy phiếu tín nhiệm đối với người ứng cử đại biểu HĐND các cấp, ứng cử chức danh tổ trưởng tổ dân phố; công khai các hoạt động thu chi nguồn vận động nhân dân; huy động sức dân để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội…

Ban Thanh tra nhân dân các xã, thị trấn thường xuyên tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện giám sát các công trình xây dựng, qua đó phát hiện một số sai phạm, ảnh hưởng đến chất lượng và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, nhận thức của một số cán bộ, nhân dân về dân chủ ở cơ sở chưa đầy đủ; việc triển khai thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn có nơi, có việc chưa được chú trọng.

Chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có mặt còn hạn chế…

Đóng góp ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các đại biểu của thị trấn Vôi và xã Tân Dĩnh bày tỏ sự nhất trí cao đối với nội dung dự thảo. Tuy vậy, nhiều ý kiến băn khoăn xung quanh nội dung quy định tại Điều 14 về thẩm quyền đề xuất nội dung để cộng đồng dân cư bàn và quyết định. Ông Ngô Ngọc Long, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dĩnh cho rằng, yêu cầu “Cử tri có sáng kiến đề xuất nội dung và phải có 10% cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tại thôn, tổ dân phố đồng thuận…” sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện, thiếu tính khả thi”.

Ông Vũ Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vôi nêu: “Điều 19 dự thảo Luật yêu cầu quyết định của cộng đồng dân cư được thông qua khi có hơn 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành, có giá trị bắt buộc thi hành đối với công dân sinh sống trong cộng đồng dân cư. Quy định này khó thực hiện vì thực tế các cuộc họp dân hiện nay khó huy động được 100% cử tri do người dân bận lao động, sản xuất, kinh doanh, vắng mặt trong các cuộc họp. Do vậy cần điều chỉnh tỷ lệ phù hợp hơn với tình hình thực tiễn”.

Đồng chí Trần Văn Tuấn thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang ghi nhận những ý kiến đóng góp, qua đó giúp Đoàn ĐBQH nắm được tình hình thực hiện dân chủ ở cơ sở, những kết quả đạt được và tồn tại, khó khăn của các xã, thị trấn. Các ý kiến đóng góp sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, tham gia đối với cơ quan soạn thảo trước khi ban hành.

Theo kế hoạch, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang sẽ tiến hành khảo sát, lấy ý kiến tại nhiều xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp trong toàn tỉnh từ nay đến ngày 05/8.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=67102