ĐOÀN ĐBQH TỈNH TÂY NINH LÀM VIỆC VỚI CÔNG TY ĐIỆN LỰC TÂY NINH VỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG
Sáng 08/3, ông Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh chủ trì buổi làm việc với Công ty Điện lực Tây Ninh về giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh.
ĐOÀN ĐBQH TỈNH TÂY NINH THĂM VÀ CHÚC TẾT CÁC ĐỒN BIÊN PHÒNG, CHỐT DÂN QUÂN BIÊN GIỚI
Giai đoạn 2016-2021, Công ty Điện lực Tây Ninh cung ứng điện an toàn, ổn định, liên tục phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ điện mặt trời tại Tây Ninh và cả nước (2019-2020), các nguồn phát điện được tăng cường, góp phần bảo đảm cấp điện liên tục, giảm phát thải ô nhiễm từ các nguồn sinh khối. Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh không phải thực hiện điều chỉnh phụ tải điện do thiếu nguồn.
Tỉnh có các nguồn năng lượng tại chỗ với tổng công suất đặt khoảng 1.087MW, trong đó: năng lượng tái tạo có công suất khoảng 1.056 MW- chiếm tỷ lệ 96,82%; năng lượng sinh khối có công suất 31,5MW, chiếm tỷ lệ 2,9%; thủy điện có công suất 3MW, chiếm tỷ lệ 0,28%.
Hàng năm, Công ty Điện lực Tây Ninh đều thực hiện tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm hiệu quả. Kết quả, giai đoạn 2016-2022 thực hiện tiết kiệm điện được 588,24 triệu kWh.
Về quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia, trong giai đoạn này, Công ty Điện lực Tây Ninh đã thực hiện các dự án phát triển nguồn điện, lưới điện theo quy hoạch và quy hoạch điều chỉnh với tổng khối lượng: Đối với đường dây và trạm biến áp cấp điện áp 110kV, trạm biến áp (bao gồm xây mới và nâng công suất) 493MVA, cải tạo nâng công suất đường dây tổng chiều dài 178,76km; đối với đường dây và trạm biến áp từ cấp điện áp 22kV trở xuống, trạm biến áp (bao gồm xây mới và cải tạo) 159,39MVA, đường dây (bao gồm xây mới và cải tạo) hơn 1.961km và 2.350km lưới hạ áp 0,4kV (bao gồm xây mới). Với hiện trạng lưới điện trên địa bàn tỉnh, tương đối bảo đảm cho việc cung cấp điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đề nghị Công ty Điện lực Tây Ninh thông tin thêm các nội dung về quy hoạch phát triển điện lực; đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện; phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện năng lượng mặt trời; vấn đề xử lý tấm pin năng lượng mặt trời sau khi hết tuổi thọ; các vấn đề liên quan đến lắp đặt điện mặt trời mái nhà...
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh Phạm Hùng Thái ghi nhận những kết quả, trách nhiệm, cố gắng của Công ty Điện lực Tây Ninh trong việc bảo đảm cung ứng điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (2020-2021), đơn vị đã chia sẻ với địa phương và người dân trong việc bảo đảm duy trì cung ứng điện cho các cơ sở phục vụ cho các khu cách ly, khu chữa bệnh.
Về việc triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, đơn vị đã triển khai đầy đủ, kịp thời, nhất là những văn bản hướng dẫn thực hiện những quy định, nghị định của Chính phủ, bộ ngành Trung ương và văn bản hướng dẫn của các sở ngành, cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng ở địa phương. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương trong việc tham gia xây dựng quy hoạch về phát triển năng lượng điện tích hợp trong quy hoạch chung của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh Phạm Hùng Thái đề nghị, trong thời gian tới, Công ty Điện lực Tây Ninh tích cực phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng của địa phương, của tỉnh trong việc thực hiện công tác quy hoạch phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh, nhất là hoàn thiện, hoàn chỉnh tích hợp quy hoạch phát triển năng lượng vào quy hoạch chung của tỉnh, cũng như các quy hoạch chi tiết ở từng khu vực mà tỉnh định hướng phát triển về khu công nghiệp, thương mại dịch vụ, đô thị... quy mô lớn, có sự tiêu thụ nguồn năng lượng điện lớn để có sự chủ động trong đầu tư phát triển hạ tầng, có kế hoạch cung ứng điện bảo đảm.
Tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, trong xây dựng phát triển nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch, tiết kiệm. Tiếp tục tham mưu, đề xuất với tập đoàn, cũng như kiến nghị với địa phương các giải pháp để thu gom, xử lý các chất thải, vật dụng như tấm pin năng lượng mặt trời khi hết hạn sử dụng.
Mặt khác, phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương để kiến nghị, đề xuất với Tập đoàn triển khai hoàn thiện hạ tầng truyền tải điện trên địa bàn tỉnh; phối hợp với địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng để triển khai hạ tầng truyền tải điện bảo đảm kịp thời, đồng bộ với sự phát triển của địa phương.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=73809