ĐOÀN ĐBQH TỈNH THÁI NGUYÊN ĐỀ XUẤT 04 GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM NHẰM TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ NHIỆM VỤ NĂM 2024

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết hoạt động của Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 2024 diễn ra mới đây, để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ công tác năm 2024, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đưa ra 04 giải pháp trọng tâm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động của Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 2024. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và chỉ đạo Hội nghị. Dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương và địa phương, đại diện Lãnh đạo Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết hoạt động của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết hoạt động của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Phát biểu tại Hội nghị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Tổng kết hoạt động của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 2024 và là cơ hội để cho các Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thời gian tới nhằm góp phần vào thành công chung trong hoạt động của Quốc hội.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải bày tỏ sự nhất trí cao với những kết quả và thành tựu đạt được, những khó khăn, hạn chế và đề xuất, kiến nghị với các Đoàn ĐBQH cần phải có sự phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trong thời gian tới.

Báo cáo về hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên trong năm 2023, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho biết, đối với công tác tổ chức cho ĐBQH tiếp công dân, phối hợp với địa phương để tiếp xúc cử tri và đôn đốc việc giải quyết đơn thư của công dân, kiến nghị của cử tri, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng mô hình hiệu quả. Theo đó, tất cả đơn thư và các cuộc tiếp công dân đều có Tổ giúp việc hỗ trợ Đoàn ĐBQH, các ĐBQH phân tích rõ nội dung vấn đề trong đơn thư có thể giải quyết dứt điểm hay không, trong thời gian là bao nhiêu lâu. Bên cạnh đó, Tổ giúp việc sẽ có những cuộc làm việc với các Sở, ban ngành và thực hiện phỏng vấn công dân để xem xét nội dung đơn thư, kiến nghị.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải.

Về công tác xử lý đơn thư: Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Ban Dân nguyện trong việc sử dụng phần mềm để xử lý, quản lý đơn thư rất hiệu quả. Đối với việc tiếp công dân của ĐBQH phải có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các Sở, ban ngành địa phương.

Về công tác xây dựng pháp luật, các ĐBQH tham gia thảo luận về các dự án luật: Đối với việc đóng góp vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ngoài việc lấy ý kiến của cử tri, Nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức 02 Hội thảo mang tính khoa học cũng như mời các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm ở Trung ương và địa phương, các thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Dân nguyện, Viện Nghiên cứu lập pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Đất đai, Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, đại biểu các Sở ngành địa phương và các trường đại học trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã chắt lọc được những ý kiến thiết thực để đóng góp vào trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Còn đối với các luật chuyên ngành, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đều tổ chức các cuộc họp chuyên đề.

Về công tác giám sát, trong năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện 04 cuộc giám sát theo chương trình của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 02 cuộc giám sát theo chương trình riêng của Đoàn, gồm: Giám sát việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đều phối hợp với các cơ quan Bộ ngành trong việc xây dựng các Đề cương giám sát các chuyên đề riêng của tỉnh. Bên cạnh đó, Đoàn cũng cùng với các cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban cán sự Đảng, UBND, HĐND tỉnh để phát huy vai trò của Đoàn ĐBQH trong việc phối hợp với các Bộ, ban ngành, cơ quan của Trung ương nhằm tháo gỡ những nhiệm vụ, khó khăn của địa phương.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cùng các ĐBQH tham dự Hội nghị.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cùng các ĐBQH tham dự Hội nghị.

Với sự nỗ lực phấn đấu, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho biết, trong năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những thành tích đáng kể trong phát triển kinh tế. Theo đó, tỉnh đã thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay với con số là 20.196 tỷ đồng. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay của tỉnh và lần đầu tiên ghi dấu mốc quan trọng khi tỉnh Thái Nguyên nằm trong top 18 tỉnh có thể tự cân đối ngân sách địa phương và có một phần điều tiết về Trung ương; thu nhập bình quân đầu người (GRDP) đạt 113 triệu đồng/người/năm và đứng đầu trong 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Trong 3 tháng đầu năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đã thu hút được 454 triệu USD trong các dự án FDI.

04 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các nhiệm vụ công tác

Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ công tác năm 2024, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải kiến nghị với các lãnh đạo Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội một số giải pháp sau:

Thứ nhất: Theo quy định của pháp luật, ĐBQH được tiếp xúc cử tri và thực hiện quyền giám sát của mình. Do đó, kết quả giám sát và ý nghĩa pháp lý của việc ĐBQH giám sát như thế nào thì đề nghị có sự hướng dẫn.

Thứ hai: Đề cương những cuộc giám sát của Quốc hội đều chi tiết, tổng quát nhưng nên được phân hóa, phân loại phù hợp với thực tế của từng địa phương.

Thứ ba: Đối với các đoàn giám sát của địa phương, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đề xuất được mời thêm các cán bộ ở các Vụ chuyên môn của các cơ quan của Quốc hội và các Bộ, ban ngành.

Thứ tư: Những chuyến công tác của lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội nên có thêm sự tham gia của các Trưởng, Phó Đoàn ĐBQH ở các địa phương. Điều này sẽ góp phần giúp cho lãnh đạo các Đoàn ĐBQH ở các địa phương được học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như có sự phối hợp để nâng cao hoạt động của các Đoàn ĐBQH được hiệu quả hơn./.

Bích Lan - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=85733