Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Chiều 31/5/2022, Quốc hội dành thời gian thảo luận ở Tổ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã thảo luận sôi nổi, tham gia đóng góp tích cực vào các nội dung của dự thảo luật.

Chiều 31/5/2022, Quốc hội dành thời gian thảo luận ở Tổ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã thảo luận sôi nổi, tham gia đóng góp tích cực vào các nội dung của dự thảo luật.

Đại biểu Hoàng Đức Chính, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đóng góp ý kiến về vấn đề thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, ĐBQH Đặng Bích Ngọc cho rằng, sau thời gian thực hiện Pháp lệnh 34, Nghị định 04, Nghị định 45 thì trong thời gian qua việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được Đảng, Nhà nước, đặc biệt là ở hệ thống các cơ quan Nhà nước, xã, phường, thị trấn thực hiện tương đối tốt. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, các nội dung còn dàn trải ở nhiều văn bản. Do vậy cần thiết phải có những quy định được tích hợp trong 1 luật.

Dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp lần này đã được Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ĐBQH và Đoàn ĐBQH. Đối với nội dung về quy định dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp, trong đó quy định một số đặc thù đối với doanh nghiệp Nhà nước. Đại biểu nhận thấy quy định này phù hợp với khoản 1 Điều 2 về giải thích từ ngữ cũng như bảo đảm quyền lợi cho người lao động được tham gia ý kiến, được quyết định các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định. Bởi, trong thực tế người lao động luôn là đối tượng yếu thế hơn, do vậy nếu không quy định ở trong các doanh nghiệp thì trong quá trình tham gia lao động ở các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn.

Đối với Ban Thanh tra Nhân dân, trước đây đã quy định ở Luật Thanh tra nhưng khi xây dựng dự thảo Luật Dân chủ ở cơ sở, đã chuyển toàn bộ nội dung của Ban Thanh tra Nhân dân sang Luật Dân chủ ở cơ sở. Cũng theo đại biểu Đặng Bích Ngọc thì về hình thức là phù hợp. Tuy nhiên, việc quy định thời gian nhiệm kỳ của Ban Thanh tra Nhân dân đối với các cơ quan Nhà nước 2 năm như hiện là chưa phù hợp. Thực tế cho thấy, Ban Thanh tra Nhân dân ở các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan hành chính thực hiện theo Nghị định số 04 rất là hình thức, không phát huy hiệu quả. Do vậy, đại biểu đề nghị, cần có cơ chế, hình thức khác để giúp cho Ban Thanh tra Nhân dân hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời, nhiệm kỳ của Ban Thanh tra Nhân dân nên quy định lại phù hợp với nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Công đoàn và cần có quy định trách nhiệm cụ thể của Ban Thanh tra Nhân dân.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham gia ý kiến thảo luận tại Tổ.

Liên quan đến Ban Giám sát đầu tư cộng đồng được quy định tại Điều 70 của dự thảo Luật thì vai trò, trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam được thể hiện rất rõ trong hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân. Nhưng đối với Ban Giám sát đầu tư cộng đồng hiện nay lại không được đưa vào nội dung trong dự thảo Luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị trong dự thảo luật nên có những quy định về Ban Giám sát đầu tư cộng đồng để tạo được sự thống nhất trong hệ thống các cơ quan và những nội dung quy định trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Về quy định tiếp xúc đối thoại với Nhân dân ở Điều 25 có nêu hàng năm UBND cấp xã tổ chức hội nghị đối thoại với Nhân dân trên địa bàn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, những vấn đề liên quan đến quyền lợi của Nhân dân ở địa phương. Đại biểu cho rằng, qua thực tế thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở, đây là nhiệm vụ thường xuyên của cấp xã, cơ sở. Do vậy, đại biểu đề nghị trong quy định không nên quy định hàng năm mà nên quy định thường xuyên sẽ phù hợp hơn, để thực hiện tốt nhất quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm được các vấn đề người dân quan tâm sẽ được xem xét, trao đổi ngay tại cơ sở.

Cũng liên quan đến vấn đề thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Hoàng Đức Chính, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng: Tại khoản 3, Điều 14 hiện nay quy định là khi có 10% cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tại thôn, tổ dân phố đồng thuận thì gửi trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố để đưa ra cộng đồng dân cư bàn và quyết định. Tuy điều này thể hiện sự dân chủ ở cơ sở nhưng đặc thù của các thôn ở vùng quê và miền núi thì dòng họ rất đông, nên mỗi nội dung chỉ cần 10% cử tri đưa ra để bàn thì rất khó. Do đó, đại biểu đề nghị cần tăng lên 20% mới tăng được tính cộng đồng dân cư.

Theo quy định tại Điều 19 về hiệu lực thi hành quyết định của cộng đồng dân cư có quy định "quyết định của cộng đồng dân cư được thông qua khi có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành, có giá trị bắt buộc thi hành đối với công dân sinh sống trong cộng đồng dân cư”. Theo đại biểu, quy định này vẫn còn thấp bởi có trên 50% chưa mang tính đại diện, do vậy cần tăng tỉ lệ này lên khoảng 80% mới bảo đảm được tính hiệu lực, hiệu quả khả thi hơn.

Bùi Hiển

(Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/166556/doan-dbqh-tinh-tham-gia-thao-luan-tai-to-ve-du-an-luat-thuc-hien-dan-chu-o-co-so-va-luat-phong,-chong-bao-luc-gia-dinh-sua-doi.htm