ĐOÀN ĐBQH TỈNH THỪA THIÊN – HUẾ NỐI NHỊP CẦU TÂM TƯ, NGUYỆN VỌNG CỦA CỬ TRI ĐẾN QUỐC HỘI

Cùng với các Đoàn đại biểu Quốc hội trong cả nước, tại các Kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế đã nhập cuộc, thể hiện trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đặc biệt đã nối nhịp cầu tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người dân, cử tri cả nước nói chung và tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành nhanh nhất, sớm nhất.

ĐOÀN ĐBQH THỪA THIÊN HUẾ TIẾP XÚC CỬ TRI THÀNH PHỐ HUẾ

ĐOÀN ĐBQH TỈNH THỪA THIÊN HUẾ TIẾP XÚC CỬ TRI HUYỆN PHONG ĐIỀN

Với 21 ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm, tập trung tâm lực, trí lực giải quyết khối lượng công việc lớn, quan trọng với sự đồng thuận, nhất trí cao, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã có 1.841 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 7 phiên thảo luận tổ, 621 lượt đăng ký, 508 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận và 26 lượt tranh luận tại 26 phiên thảo luận tại hội trường; 345 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 149 lượt đại biểu nêu câu hỏi chất vấn và 22 đại biểu tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Quốc hội đã biểu quyết thông qua 6 luật, 12 nghị quyết chuyên đề và biểu quyết nghị quyết chung của kỳ họp, thảo luận về việc tiếp thu, chỉnh lý và cho ý kiến đối với 8 dự án luật và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.

Một số hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Một số hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Đóng góp vào thành công chung của kỳ họp là sự nỗ lực của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH 63 tỉnh, thành phố, trong đó có Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế trong việc góp ý xây dựng luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và tham gia vào hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ một vài dấu ấn nổi bật của Đoàn, cũng như đánh giá, kỳ vọng của cử tri sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV:

Phóng viên: Cùng với 62 Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều đóng góp vào thành công chung của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Đại biểu có thể khái quát lại một số hoạt động nổi bật của Đoàn?

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Cùng với các Đoàn đại biểu Quốc hội trên cả nước, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế đã nhập cuộc, thể hiện trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đặc biệt là nối nhịp cầu tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người dân, cử tri cả nước nói chung và tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng đến Quốc hội, thông qua Quốc hội đến Chính phủ, các bộ, ngành nhanh nhất, sớm nhất.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế có 7 đại biểu đã hoạt động rất tích cực, chủ động là nghiên cứu các dự thảo dự thảo, dự thảo nghị quyết, nghị định, thông tư được chuẩn bị kèm hồ sơ. Đoàn ĐBQH cũng khuyến khích các đại biểu trong Đoàn tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ và tại hội trường, nhưng do thời gian có hạn nên không phải tất cả các ý kiến của Đoàn được thể hiện, những nội dung này đã được Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế gửi đến Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đối với những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, những vấn đề khó còn nhiều ý kiến khác nhau, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức các hội nghị lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, luật sư, đối tượng chịu tác động và người dân.

Đặc biệt đối với vấn đề lớn, nhận được nhiều sự quan tâm như Luật Đất đai để có được nhận thức chung, sâu sát hơn. Mặc dù dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được cho ý kiến lần đầu nhưng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lấy ý kiến qua nhiều kênh thông tin, cập nhật, tập hợp từ các sở, ngành, UBND các địa phương.

Tương tự, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng tổ chức lấy ý kiến rộng rãi góp ý vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Đặc biệt, với dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Quốc hội đã quyết định chưa thông qua tại Kỳ họp thứ 4, thể hiện sự chỉn chu và thận trọng của Quốc hội trong xây dựng pháp luật. Do còn nhiều ý kiến khác nhau về thời điểm thông qua luật nên trước kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lấy ý kiến chuyên gia, các trường đại học y, các bệnh viện, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lớn, trung tâm y tế huyện; đồng thời tham khảo ý kiến của các phương tiện thông tin đại chúng…

Phóng viên: Thưa đại biểu, qua hoạt động tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Thừa Thiên - Huế đánh giá như thế nào về hoạt động của Quốc hội nói chung, cũng như của Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng?

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Cử tri Thừa Thiên - Huế càng ngày càng tin tưởng và đánh giá cao chất lượng, phương thức hoạt động của Quốc hội và của Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế, điều này thể hiện thông qua tinh thần, thái độ tham gia tiếp xúc cử tri. Cách thức tiến hành tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế là về các địa phương, kết hợp 3-4 xã thay vì tổ chức mang tính chất đại diện cấp huyện, cấp tỉnh, nhằm thông tin trực tiếp kết quả nổi bật nhất của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đến cử tri và Nhân dân. Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng chắt lọc, ghi nhận ý kiến mang tầm vĩ mô thuộc thẩm quyền của Quốc hội để tổng hợp các kiến nghị sau Kỳ họp thứ 4. Đối với các ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ chuyển đến cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

Cử tri tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, xử lý nghiêm vi phạm trong thực hành chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trong phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Cử tri cũng luôn theo dõi hoạt động của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và đề nghị đối với tài sản thu được từ các vụ án tham nhũng để phục vụ cho hoạt động an sinh xã hội và đầu tư hạ tầng để tỉnh Thừa Thiên - Huế phát triển nhanh, bền vững theo Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=70913