Đoạn đường nhọc nhằn của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối

Mỗi khi thắt lưng lâm râm, ông Hưng biết cơn đau dữ dội chuẩn bị ập tới khắp xương tủy. Ông đánh thức vợ, bảo bà chạy đi tìm bác sĩ. Mới 3 giờ trước, ông vừa tiêm morphin mà đã không chịu nổi, tay run run vì sợ.

LỜI TÒA SOẠN

Năm 2019, Hội Y học chăm sóc giảm nhẹ Việt Nam được thành lập sau một thời gian dài chuyên ngành này bị bỏ trống ở nước ta. Năm 2022, Bộ Y tế đã ký Quyết định 183/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn Chăm sóc giảm nhẹ. Trước đó, năm 2006, Hướng dẫn quốc gia về Chăm sóc giảm nhẹ đối với người bệnh ung thư và AIDS cũng đã ra đời.

Đây là chuyên ngành chăm sóc, điều trị nhằm ngăn ngừa và giảm nhẹ các đau khổ về thể chất, tâm lý, xã hội hay tâm linh mà người bệnh nặng phải chịu đựng (ung thư, HIV/AIDS, COPD, suy thận, bệnh lý tim mạch…). Trong đó, vấn đề giảm đau đặc biệt được chú trọng.

Tại TP.HCM, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối được chăm sóc giảm nhẹ chủ yếu ở các bệnh viện lớn. Tại tuyến cơ sở, việc cung ứng thuốc morphin vẫn khó, quy định quản lý thuốc chặt chẽ đôi khi khiến những người cận tử buông tay vì nản lòng. Họ có thể phải trải qua tháng ngày cuối đời trong nỗi đau và tiếng rên la. Đây cũng là trăn trở của mỗi gia đình người bệnh và những bác sĩ đã gắn bó cuộc đời với bệnh nhân ung thư.

VietNamNet xin đăng tải tuyến bài Gian nan hành trình tìm thuốc giảm đau của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối với mong muốn chia sẻ một phần thực trạng này.

“Tôi lăn lộn, tự cầm gậy đánh mình để quên đau”

Nặng nhọc từng bước, ông Nguyễn Văn Hưng (sinh năm 1954) được vợ dìu vào Khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM). Nhìn chiếc giường trong góc tường đang trống, ông thở phào và tiến tới ngồi nghỉ. “Lần nào nhập viện được nằm đúng giường này tôi cũng thấy yên tâm hơn”, ông nói.

Ông Hưng “thường trú” ở Khoa Ung bướu từ tháng 9/2022 khi có chẩn đoán ung thư đã di căn vào xương. Cứ khoảng 20 ngày, ông lại về nhà nghỉ ngơi cho khuây khỏa.

Bảy năm trước, ông Hưng phát hiện bị ung thư trung thất, điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Khi thể lực còn tốt, ông đi xe buýt lên viện một mình, rất ít khi phải phiền vợ con. Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, ông đều trải qua nhưng bệnh không buông tha.

Trên ngực ông Hưng là một đường truyền để tiêm thuốc cố định. Ảnh: GL.

Trên ngực ông Hưng là một đường truyền để tiêm thuốc cố định. Ảnh: GL.

Nhà cửa trôi theo bệnh tật, gia đình ông phải chuyển từ Thủ Đức về quận 12 (khu vực giáp với tỉnh Bình Dương) để sinh sống. Mỗi lần lên viện là mười mấy km vợ chở bằng xe máy, dù mệt nhưng ông yên lòng hơn vì bác sĩ biết rõ bệnh tình.

Hơn 1 năm nay, ông Hưng sống trong đoạn đường cuối của căn bệnh nan y. Mỗi lần thắt lưng lâm râm đau, ông biết cơn đau thấu xương sẽ bắt đầu. Bà Võ Thị Thu Vân vừa xoa lưng cho chồng vừa kể, những lần ông Hưng quát mắng, bà chỉ biết xót xa trong lòng.

Có lần, lên cơn đau, thuốc giảm đau không đủ tác dụng, ông lăn lộn, vật vã dưới nền nhà. Bà định xoa bóp nhưng đụng vào đâu ông cũng giật ra, gào thét. “Ông ấy bảo tôi cầm cây gậy đánh đập vào người để quên đau, nhưng sao mà tôi làm được. Tôi cứ đứng ở góc nhà khóc, nhìn chồng tự cầm gậy quật đến mệt đừ. Gần 20 phút sau cơn đau mới qua, mình gánh được thì đỡ bao nhiêu”, bà Vân nói.

Ông Hưng thở dài giải thích khi ung thư di căn vào xương, cảm giác đau đớn vô cùng, tưởng như chết còn dễ hơn. Có lúc, vợ phải chợ vội ông vào viện để kịp tiêm thuốc vào chiếc ống đặt sẵn ở ngực.

“Ban đầu là nửa viên thuốc rồi tăng dần, sang miếng dán và cuối cùng là tiêm. Hiện tại, tôi tiêm 19 ống morphin mỗi ngày, chia làm 6 lần, là liều cao nhất ở khoa. Mấy tháng trước, bà Nguyệt nằm phòng kia còn tiêm 24 ống/ngày. Bà ấy mất rồi…”, ông nói nhỏ dần.

Khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức có khoảng 40 bệnh nhân nội trú, hơn 50% phải dùng morphin. Ảnh: Chí Hùng.

Khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức có khoảng 40 bệnh nhân nội trú, hơn 50% phải dùng morphin. Ảnh: Chí Hùng.

Thuốc khan hiếm, bệnh nhân xin nhập viện để giảm đau

Bà Nguyễn Thị G., sinh năm 1958, ngụ tại TP Thủ Đức (TP.HCM) phát hiện ung thư vú đã ở giai đoạn 3. Sau hai năm, bệnh diễn tiến di căn xương khiến bà suy kiệt. Quá trình điều trị, ngoài giảm đau bằng morphin, bà còn truyền thuốc chống hủy xương. Sức khỏe bất ổn, có ngày bà không còn sức đi lại.

Theo quy định, do điều trị ngoại trú nên cứ 10 ngày, bà G. lại lên Bệnh viện TP Thủ Đức để bác sĩ kê đơn và nhận thuốc morphin. Một tháng trước, thuốc morphin dạng viên hết, bà G. và nhiều người bệnh ung thư giai đoạn cuối như chới với.

Hiểu rõ cơn đau ghê gớm của bệnh ung thư, bác sĩ đã khuyên bà nhập viện để được tiêm giảm đau khoảng 2 tuần. Nhờ vậy, bà G. cũng bớt bị “hành” hơn dù tâm trạng luôn chán chường, bi quan.

“Bệnh di căn vào xương thì uống bao nhiêu thuốc bình thường cũng không có tác dụng. Đợt này tôi mệt quá, nói chuyện còn không nổi. Tôi ký giấy và để con trai đi nhận morphin trên bệnh viện. Ung thư đến giai đoạn này rồi, sức đâu mà đi”, bà thở dài.

Thuốc giảm đau nhóm opioid được quản lý rất chặt chẽ. Ảnh: GL.

Thuốc giảm đau nhóm opioid được quản lý rất chặt chẽ. Ảnh: GL.

Trao đổi với VietNamNet, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức, xác nhận có thời điểm nguồn cung morphin dạng viên bị đứt, bệnh nhân ngoại trú bị gián đoạn thuốc này dù có đơn đúng quy định.

“Tuy nhiên, chúng tôi còn morphin dạng tiêm, tức là loại chỉ dùng cho người bệnh nội trú. Do đó, ngay khi bệnh nhân nhập viện, bác sĩ sẽ tiêm thuốc để giảm bớt đau đớn và vẫn đảm bảo quy định, chỉ định, liều lượng”, bác sĩ Vũ nói.

Theo ông, một đơn morphin ngoại trú được kê dùng trong 10 ngày. Người nhà có thể nhận thuốc giúp với điều kiện có giấy xác nhận của trạm y tế xã. Tuy nhiên, tối đa 3 đơn thuốc (tương ứng 30 ngày), đích thân người bệnh phải lên gặp bác sĩ để được đánh giá tình trạng, mức độ đau và điều chỉnh đơn thuốc.

Với người bình thường, mỗi tháng lên viện một lần là chuyện không khó. Nhưng với bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, đi lại là nỗi nhọc nhằn đến ám ảnh.

“Thời gian 10 ngày/1 toa thuốc morphin là quá ngắn với bệnh nhân ung thư, chưa kể có thể rơi vào ngày nghỉ lễ. Khi gián đoạn thuốc, người bệnh sẽ rất đau, kéo theo người nhà cũng khổ sở theo. Bệnh nhân ở TP.HCM đã mệt mỏi nhưng ở tỉnh còn vất vả hơn, vậy mà chỉ để nhận mấy ngày thuốc.

Thứ hai, vẫn còn bác sĩ e ngại với morphin do chuyện quản lý và thủ tục chặt chẽ. Thêm vào đó là tâm lý sợ người bệnh lạm dụng. Thực sự, người bệnh không ai ham thuốc này nếu không vì quá đau. Nếu đúng liều lượng và chỉ định, không có gì phải e ngại", ông nói.

Đồng thuận với quan điểm này, một bác sĩ chuyên ngành chăm sóc giảm nhẹ tại TP.HCM cho rằng nên có cái nhìn nhẹ nhàng hơn về morphin giảm đau.

“Thuốc morphin sẽ đi theo người bệnh ung thư giai đoạn cuối đến tận cuối đời, giống như người bệnh cao huyết áp, tiểu đường phải uống thuốc mỗi ngày. Chúng ta cần hiểu như vậy để người bệnh được giảm đau, tăng chất lượng cuộc sống và cũng để người nhà bớt nặng nề”, bác sĩ này nói.

Lợi dụng tâm lý người nhà, nhiều kẻ rao bán morphin trái phép giá "cắt cổ"

Thuốc morphin cấp theo đơn với số lượng giới hạn đôi khi không đáp ứng đủ nhu cầu của người bệnh ung thư giai đoạn cuối, nhất là điều trị ngoại trú. Người thân không nỡ nhìn bệnh nhân đau đớn, quằn quại.

Lợi dụng tâm lý này, nhiều kẻ đã vào các hội nhóm trên Facebook để rao bán thuốc morphin dạng viên, dạng ống với giá gấp từ 10 đến 20 lần. Bán thuốc morphin là hành vi phạm pháp luật, nhưng hậu quả đầu tiên vẫn đổ lên người bệnh ung thư.

Kỳ 2: Chợ mạng rao bán tràn lan morphin giá "cắt cổ"

Linh Giao

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/doan-duong-nhoc-nhan-cua-benh-nhan-ung-thu-giai-doan-cuoi-2135030.html