ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI TỈNH CAO BẰNG

Sáng ngày 25/8, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Các đại biểu dự buổi làm việc

Các đại biểu dự buổi làm việc

Làm việc với đoàn có các đồng chí: Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nông Thanh Tùng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo; Bế Minh Đức, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành.

Giai đoạn 2011 - 2020, kinh phí chi cho hoạt động KH&CN vùng DTTS và miền núi trên 147,7 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh gần 65,7 tỷ đồng. Tỉnh có 94 đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh được phê duyệt, triển khai thực hiện với tổng kinh phí trên 84,7 tỷ đồng, cấp tỉnh trên 63,7 tỷ đồng. Đưa vào ứng dụng 94 đề tài, dự án KH&CN tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, văn hóa - xã hội, công nghiệp gắn với thực tiễn, phù hợp với địa phương, giải quyết các vấn đề khoa học đặt ra trên các lĩnh vực.

Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển KT - XH nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh đã phê duyệt, triển khai 7 dự án với tổng kinh phí trên 36,8 tỷ đồng về các lĩnh vực: Phát triển vùng nguyên liệu sản xuất chè xanh chất lượng cao tại huyện Nguyên Bình; Mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống cây trồng và phát triển trồng rừng tại xã Bình Dương (Hòa An); Mô hình trồng và chế biến cây giảo cổ lam.

Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển KT - XH nông thôn, miền núi, vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2025, toàn tỉnh đã và đang triển khai 5 nhiệm vụ với tổng kinh phí trên 36,5 tỷ đồng, trong đó, doanh nghiệp đầu tư gần 19,5 tỷ đồng. Qua triển khai, các dự án đóng góp vào chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh, bước đầu xây dựng các khu trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất theo hướng hàng hóa công nghệ cao liên hoàn, khép kín, áp dụng KH&CN trong sản xuất, chăn nuôi; tác động tích cực đến phát triển kinh tế vùng dự án, nâng cao đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo phát biểu tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo phát biểu tại buổi làm việc

Tỉnh kiến nghị: Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nghiên cứu, đề xuất thực hiện chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS chuyển đổi ứng dụng KH&CN vào sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững; Bộ KH&CN tăng dần tỷ lệ ngân sách Trung ương hằng năm chi cho KH&CN địa phương giai đoạn 2021 - 2025 đạt không dưới 2% tổng chi ngân sách của tỉnh; tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tiếp tục triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh; hằng năm, hỗ trợ tỉnh thực hiện 2 - 3 nhiệm vụ thuộc Chương trình nông thôn, miền núi; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực KH&CN cho tỉnh; tham mưu cho Chính phủ có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài bố trí vốn đầu tư cho tỉnh...

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Nguyễn Lâm Thành phát biểu kết luận buổi làm việc

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Nguyễn Lâm Thành phát biểu kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đề nghị tỉnh Cao Bằng cần có sự phối hợp để xác định các nhiệm vụ KH&CN một cách trọng tâm trên cả 2 lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học kỹ thuật chuyển giao công nghệ. Xác định được cây, con chủ lực, định hướng hàng hóa chủ lực, quy mô, cấp độ, liên kết giữa các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh; định hướng quy trình khép kín cho một loại sản phẩm gắn với KH&CN và sản xuất hàng hóa thị trường.

Các dự án liên kết dài hơi cần đủ mạnh về vốn, nhân lực, kỹ thuật, thời gian; hoàn thiện cơ sở pháp lý từ Trung ương và địa phương; nguồn vốn cho KH&CN cần sử dụng hiệu quả. Tỉnh cần phối hợp lồng ghép giữa các chương trình, đưa ra cơ chế mang tính đặc thù; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, ưu tiên nguồn nhân lực tại chỗ và phối hợp với các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng./.

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=47780