Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc làm việc với UBND tỉnh Kon Tum

Chiều 6.8, Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm làm trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh Kon Tum về 'Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác cán bộ dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 - 2023'.

Về phía tỉnh Kon Tum có: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy U Huấn; Thường trực HĐND tỉnh và các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội, UBND cùng các sở, ban, ngành liên quan.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại cuộc làm việc với tỉnh Kon Tum

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại cuộc làm việc với tỉnh Kon Tum

Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới nằm ở Bắc Tây Nguyên có dân số khoảng 568.780 người, trong đó người DTTS chiếm gần 55,1% với 43 dân tộc anh em cùng sinh sống (có 7 dân tộc tại chỗ gồm: Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ -Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hrê).

Phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng

Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện UBND tỉnh Kon Tum cho biết, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS đến nay hầu hết đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu công việc, tham gia vào các lĩnh vực công tác; được quy hoạch, bổ nhiệm vào nhiều vị trí lãnh đạo, quản lý của cơ quan, đơn vị, địa phương; được hưởng các chế độ, chính sách ưu tiên, đãi ngộ trong tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng theo đúng quy định của pháp luật.

Cán bộ, công chức, viên chức người DTTS được giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm vào vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước đã củng cố niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng, chính quyền, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tri thức DTTS.

Quang cảnh cuộc làm việc

Quang cảnh cuộc làm việc

Trong đó, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tại cơ quan, đơn vị cấp tỉnh: có 358 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên tổng số 4.196 cán bộ, công chức, viên chức chiếm tỷ lệ 8,53%; cấp huyện: có 2.173 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên tổng số 11.475 CBCCVC chiếm tỷ lệ 18,93%. Tỷ lệ công chức người DTTS tại cơ quan, đơn vị được giao chức năng, nhiệm vụ về công tác dân tộc tại Ban Dân tộc đạt 39% biên chế được giao. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị: cấp tỉnh đạt 8,97%; cấp huyện đạt 14,93%; cấp xã đạt 33,14%.

Bên cạnh đó, chính sách đào tạo theo chế độ cử tuyển, tuyển sinh vào học dự bị đại học đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho tỉnh, có nhiều sinh viên cử tuyển đã trở thành cán bộ chủ chốt của các sở, ban ngành, địa phương. Lực lượng này đã phát huy được khả năng và trình độ chuyên môn, góp phần tích cực vào việc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong những năm gần đây, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS của tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương. Cán bộ, công chức, viên chức người DTTS có ưu thế hơn trên phương diện am hiểu văn hóa, lối sống, điều kiện tự nhiên của các vùng có cộng đồng người DTTS sinh sống, nên có nhiều thuận lợi trong việc tuyên truyền, vận động, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của nhà nước đến cộng đồng các DTTS.

Cần chính sách thu hút nhân tài người DTTS

Đại diện UBND tỉnh Kon Tum kiến nghị, hiện nay chưa có chính sách ưu tiên trong tuyển dụng và chính sách thu hút sinh viên người DTTS tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi hoặc tốt nghiệp sau đại học về công tác tại địa phương. Cùng với đó, việc tuyển dụng viên chức đối với đối tượng sinh viên sư phạm được đào tạo theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP chưa được quy định cụ thể về chính sách ưu tiên, trong khi đó đa số đối tượng này là sinh viên có địa chỉ thường trú tại địa phương và sinh viên là người DTTS để ổn định đội ngũ trong tương lai.

Việc tuyển dụng công chức đối với sinh viên cử tuyển người DTTS sau khi tốt nghiệp ra trường hiện nay gặp khó khăn, vướng mắc. Kế hoạch đào tạo theo chế độ cử tuyển chưa gắn với nhu cầu sử dụng; cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn; chỉ tiêu đào tạo chưa cân đối, phù hợp với biên chế được giao nên số lượng người học diện cử tuyển tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm hoặc phải tự liên hệ tìm việc làm ở khu vực doanh nghiệp còn nhiều.

Quang cảnh cuộc làm việc

Quang cảnh cuộc làm việc

Tỉnh Kon Tum mong muốn Trung ương có chính sách thu hút nhân tài, đãi ngộ phù hợp với người có tài năng là con em đồng bào DTTS tình nguyện về công tác tại địa phương.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của UBND tỉnh Kon Tum và cho biết đây sẽ là cơ sở để Hội đồng Dân tộc nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng đề nghị tỉnh đặc biệt quan tâm hơn nữa đến đào tạo, bồi dưỡng nguồn tại chỗ, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc trong thực tế.

+ Trước đó, sáng cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm và Đoàn công tác đã làm việc với UBND huyện Đắk Hà.

Thu Hường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/doan-giam-sat-cua-hoi-dong-dan-toc-lam-viec-voi-ubnd-tinh-kon-tum-i383457/