Đoàn giám sát của Quốc hội ghi nhận nhiều kiến nghị của tỉnh

Đoàn giám sát tiếp thu kiến nghị của tỉnh để tổng hợp vào báo cáo của đoàn giám sát; từ thực tiễn các địa phương để Quốc hội có định hướng xây dựng, sửa đổi các điều, khoản cụ thể trong các luật liên quan.

Ông Nguyễn Phú Cường- Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, phó trưởng đoàn thường trực đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV phát biểu kết luận

Ông Nguyễn Phú Cường- Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, phó trưởng đoàn thường trực đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV phát biểu kết luận

Ngày 23.2, ông Nguyễn Phú Cường- Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, phó trưởng đoàn thường trực đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV cùng các thành viên đoàn giám sát làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh. Nội dung đợt giám sát chuyên đề về “việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-9; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Dự buổi làm việc có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Hùng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cùng Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh, các sở, ngành, địa phương của tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong cho biết, thời gian bùng phát đợt dịch thứ 4, Tây Ninh là một trong những tỉnh ghi nhận số ca dương tính đứng đầu cả nước. Đợt cao điểm, số ca mới trên địa bàn tỉnh liên tục tăng nhanh, trung bình ghi nhận 2.000 - 3.000 ca/ngày, 13-16 ca tử vong do mắc Covid-19.

Trên cơ sở chỉ đạo của Ban chỉ đạo, Sở chỉ huy, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Tây Ninh đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Đến nay, tình hình dịch trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt, đưa mọi hoạt động đời sống, kinh tế - xã hội về trạng thái bình thường.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, văn bản chỉ đạo chuyên môn và quản lý ngành của Bộ Y tế, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Nhìn chung, các chính sách địa phương ban hành phù hợp với hệ thống pháp luật và mang tính thực tiễn, kịp thời, đầy đủ, khả thi của chính sách gắn với đặc thù của địa phương. Tổng nguồn ngân sách Nhà nước cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 năm 2020-2022 là 1.987 tỷ 023 triệu đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 183 tỷ 811 triệu đồng, còn lại là nguồn ngân sách địa phương.

Đối với nguồn huy động xã hội hóa đóng góp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân khó khăn do Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh tiếp nhận trên 82,4 tỷ đồng. Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh phân bổ kinh phí kịp thời, bảo đảm đúng mục đích, đúng đối tượng.

Lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh gần 3.000 người (bao gồm nhân lực các đơn vị thuộc ngành Y tế và lực lượng thanh niên tình nguyện, học viên Trường trung cấp Y tế). Ngoài ra, tỉnh nhận được sự chi viện về nhân lực y tế từ các địa phương khác gồm 188 người (trong đó có 67 bác sĩ) và huy động đông đảo lực lượng Quân đội, Công an, các đơn vị vận tải.

Về kết quả quản lý, sử dụng thanh toán và quyết toán từ năm 2020-2022 là 2.052.437 triệu đồng gồm kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 theo các nghị quyết của Chính phủ, mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch, thực hiện các chính sách đặc thù của địa phương...

Thời gian qua, tỉnh thực hiện 1 cuộc kiểm toán và 2 cuộc thanh tra chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19. Qua kiểm toán và thanh tra đã đề nghị Sở Y tế rút kinh nghiệm, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với một số tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra thiếu sót, sai phạm.

Về hệ thống y tế cơ sở, tùy theo từng phạm vi, địa bàn các xã, phường, thị trấn, các trạm y tế được phân bổ số lượng người làm việc theo định mức quy định từ 6-10 người. Tuy nhiên, hiện tại nhân lực y tế tuyến xã theo chỉ tiêu định mức được giao vẫn còn thiếu, đặc biệt là bác sĩ.

Đối với y tế dự phòng, việc hợp nhất các Trung tâm tuyến tỉnh có cùng chức năng dự phòng thành một Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là một thay đổi lớn, phù hợp với xu hướng hội nhập trong khu vực và quốc tế. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, công tác sức khỏe môi trường - y tế trường học, phòng, chống HIV/AIDS, công tác xét nghiệm… trên địa bàn tỉnh.

Đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV trao quà cho lãnh đạo ngành Y tế Tây Ninh nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2

Đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV trao quà cho lãnh đạo ngành Y tế Tây Ninh nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2

Từ những khó khăn, bất cập trong thực tiễn, lãnh đạo UBND tỉnh kiến nghị Quốc hội bảo đảm tiền lương, phụ cấp cho người làm việc ở các cơ sở y tế công lập không thấp hơn mức thu nhập tối thiểu đã qua đào tạo của lực lượng tại các cơ sở y tế ngoài công lập; xem xét cho phép địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để bảo đảm thực hiện chính sách; trường hợp địa phương không được sử dụng nguồn cải cách tiền lương để thực hiện thì kiến nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ đối với phần kinh phí địa phương còn thiếu nguồn thực hiện.

Kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Khám, chữa bệnh, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, trong đó bổ sung thêm nhiều loại hình nhân viên y tế cần thiết cho hoạt động y tế cơ sở, điều chỉnh mức lương tối thiểu phù hợp, động viên, thu hút nhân viên y tế về công tác tại cơ sở; mở rộng loại hình khám, chữa bệnh tại nhà và cho phép xã hội hóa các hoạt động khám, chữa bệnh tại các trạm y tế; cơ chế chính sách cho y tế tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tỉnh kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế một số nội dung tháo gỡ khó khăn về chính sách đào tạo, giữ và thu hút nguồn nhân lực Y tế.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Tài chính, Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh giải trình làm rõ một số nội dung đoàn giám sát yêu cầu về số liệu, về thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng dịch bệnh, khó khăn trong tuyển dụng nhân lực ngành Y tế, đấu thầu thuốc…

Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Phú Cường- Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, phó trưởng đoàn thường trực đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV đề nghị tỉnh bổ sung một số nội dung. Trong đó, số liệu tiết kiệm chi của tỉnh phục vụ phòng, chống dịch; những khó khăn, vướng mắc trong công tác quyết toán kinh phí phòng, chống dịch để có kiến nghị cụ thể. Đồng thời, tiếp thu kiến nghị của tỉnh để tổng hợp vào báo cáo của đoàn giám sát; từ thực tiễn các địa phương để Quốc hội có định hướng xây dựng, sửa đổi các điều, khoản cụ thể trong các luật liên quan.

Nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2, thay mặt đoàn giám sát, ông Nguyễn Phú Cường trao tặng quà cho lãnh đạo Sở Y tế Tây Ninh.

Phương Thúy

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/doan-giam-sat-cua-quoc-hoi-ghi-nhan-nhieu-kien-nghi-cua-tinh-a155197.html