Đoàn Giám sát của UBTVQH làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực
Chiều 31/3, Đoàn Giám sát của UBTVQH về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao' làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã Hội Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì cuộc làm việc.

Toàn cảnh cuộc làm việc
Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động xây dựng kế hoạch về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới cho cả nhiệm kỳ và xây dựng kế hoạch thực hiện công tác giáo dục - đào tạo, đào tạo nghề hằng năm. Chính quyền cấp xã tăng cường rà soát nhu cầu đào tạo nghề và nhu cầu việc làm của người lao động địa phương, phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho lao động thuộc đối tượng của các chương trình mục tiêu quốc gia; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác đào tạo nghề, trong đó chú trọng nâng chất lượng và tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường công tác giám sát công tác triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án trong giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; kịp thời phối hợp với cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong công tác triển khai thực hiện đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người học sau đào tạo hiệu quả.
Theo Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, hiện nay, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của tỉnh Thái Nguyên là 685.347 người, trong đó số lao động có việc làm là 682.357 người (dữ liệu phần mềm cập nhật đến ngày 09/01/2025). Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, hợp tác xã khoảng 200.000 người (chiếm 33,5% tổng số lao động có việc làm). Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá giáo dục phổ thông tại tỉnh Thái Nguyên có chất lượng tốt, đạt 72%, cao hơn trung bình cả nước; tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng tốt đạt 64%, tăng 15% so với năm 2020, thuộc nhóm cao trong cả nước; 94% lao động tại tỉnh đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình
Nguồn lao động của tỉnh Thái Nguyên khá dồi dào, tuy nhiên kỹ năng, trình độ học vấn, tay nghề của đa số người lao động còn thấp. Lao động chưa qua đào tạo, lao động thiếu việc làm còn nhiều. Số lượng lao động qua đào tạo mặc dù đã tăng lên qua các năm, nhưng chủ yếu là lao động được đào tạo ngắn hạn, rất thiếu nhân lực có tay nghề cao. Lao động làm việc trong các khu công nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông và lao động có trình độ trung cấp. Lao động phổ thông của tỉnh Thái Nguyên hiện tập trung làm việc tại các doanh nghiệp là công ty vệ tinh của Tập đoàn Samsung.
Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên mong muốn, Chính phủ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện để trí thức tự khẳng định phát triển, cống hiến và được xã hội tôn vinh; giao cho các trường đại học tự chủ trong việc xây dựng chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có chính sách ràng buộc “giữ chân” giảng viên có trình độ cao; ban hành danh mục ngành, nghề bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng lao động qua đào tạo; xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp; chỉ đạo tham mưu Thông tư hướng dẫn phương pháp xây dựng giá áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để thực hiện đặt hàng đào tạo lao động có tay nghề cao.

Các đại biểu tại cuộc làm việc
Đồng thời tỉnh Thái Nguyên cũng mong muốn Bộ Nội Vụ sớm tham mưu, trình Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài để thống nhất tổ chức thực hiện trên toàn quốc; Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chính sách ưu tiên về nhân lực đối với các đại học, trường đại học thực hiện nhiệm vụ chính trị vùng miền núi, dân tộc thiểu số.
Đoàn giám sát cho rằng, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Thái Nguyên thời gian qua có đóng góp đặc biệt quan trọng của nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc lựa chọn Thái Nguyên là đơn vị trực tiếp giám sát như là một trong những hình mẫu của trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội để xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Lâm Văn Đoan
Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao các nội dung được chuẩn bị trong Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên; cho rằng Báo cáo của tỉnh đã được chuẩn bị nghiêm túc, cơ bản bám sát đề cương của Đoàn giám sát, thể hiện sự quan tâm của Tỉnh ủy, chính quyền các cấp đối với việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Báo cáo của tỉnh cũng đã cung cấp cho Đoàn giám sát bức tranh toàn cảnh về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” trên địa bàn tỉnh - cơ sở quan trọng để Đoàn giám sát thu nhận nhiều thông tin về nội dung chuyên đề giám sát.
Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ, hệ thống bảng biểu, số liệu kèm theo tại Báo cáo còn thiếu, như: Danh mục các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp thuộc quản lý trực tiếp của tỉnh; số lượng các dự án, chương trình xây dựng, nâng cấp, bổ sung trang thiết bị các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân tỉnh… Các thành viên Đoàn giám sát cũng cho rằng, Báo cáo của tỉnh cần làm rõ thêm về các chính sách thu hút, giữ chân nhân tài; những khó khăn trong xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; những đóng góp của hệ thống trường tư của tỉnh…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu kết thúc cuộc làm việc
Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc triển khai, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Quốc hội thành những văn bản cụ thể để chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Phát biểu kết thúc cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị tỉnh Thái Nguyên quan tâm tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục nghề nghiệp để cung cấp lao động tại chỗ cho các doanh nghiệp, phục vụ học tập suốt đời, thích ứng với thay đổi cơ cấu lao động. Trong bối cảnh công nghiệp hóa đang diễn ra nhanh chóng, Thái Nguyên cần nghiên cứu, phân tích rõ điểm mạnh, điểm yếu, khó khăn, thách thức để có giải pháp đào tạo phù hợp.
Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì cuộc làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Lâm Văn Đoan

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Tuyết Nga

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình

Đại diện UBND tỉnh Thái Nguyên trình bày báo cáo

Đại diện các sở, ngành của tỉnh Thái Nguyên báo cáo làm rõ thêm các vấn đề mà Đoàn giám sát quan tâm

Các đại biểu tham dự cuộc làm việc
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=93277