ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UBTVQH VỀ SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH KHẢO SÁT TẠI THÀNH PHỐ HÒA BÌNH
Sáng 13/5, Đoàn Khảo sát do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 làm Trưởng đoàn công tác, đã có buổi khảo sát, làm việc tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình
Báo cáo với Đoàn công tác, Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình Bùi Quang Điệp cho biết: Trước khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, thành phố Hòa Bình cũ có diện tích 143,73km2, dân số 101.674 người với 15 đơn vị hành chính cấp xã (08 phường, 07 xã); huyện Kỳ Sơn có diện tích 204,92km2, dân số 34.044 người với 10 đơn vị hành chính cấp xã (09 xã và 01 thị trấn).
Thực hiện Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; theo đó nhập, điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số, đơn vị hành chính huyện Kỳ Sơn vào thành phố Hòa Bình. Thành phố Hòa Bình mới có diện tích tự nhiên 348,65 km2 , dân số 135.718 người. Hiện nay, thành phố Hòa Bình có 19 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã trực thuộc (gồm: 12 phường và 07 xã). Sau khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14, đến nay thành phố đã giảm được 182 người.
Sau khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính mới, có sự thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, cơ sở vật chất, cán bộ, công chức; một số đơn vị hành chính nông thôn chuyển sang đơn vị hành chính đô thị, do đó bộ máy hành chính nhà nước sẽ phải phù hợp với phát triển đô thị, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đặt ra, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước của chính quyền đô thị và chất lượng cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị hành chính đô thị mới hình thành phải ngày càng được nâng cao.
Hiện tại thành phố Hòa Bình là đô thị loại III. Theo Kế hoạch phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình đã được phê duyệt, phấn đấu đến năm 2025, thành phố Hòa Bình đạt các tiêu chí của đô thị loại II. Do đang trong quá trình triển khai lập đồ án quy hoạch, thành phố Hòa Bình chưa lập Chương trình phát triển đô thị thành phố Hòa Bình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tiến hành điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch, nguồn lực để đầu tư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cũng gặp khó khăn vướng mắc do đó, đề nghị Trung ương: kịp thời xử lý các tài sản của các cơ quan trực thuộc các Bộ, ngành đóng trên địa bàn thành phố không còn nhu cầu sử dụng (xây dựng trụ sở làm việc mới thay thế trụ sở cũ, dư thừa so với định mức sử dụng...) để giao về địa phương quản lý, sử dụng một cách hiệu quả, tiết kiệm.
Thành phố Hòa Bình đề xuất, kiến nghị sửa đổi Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 9, Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 theo hướng với: Đô thị loại II ở miền núi, vùng cao, có đường biên giới quốc gia thì tiêu chí quy mô dân số có thể thấp hơn nhưng tối thiểu đạt 70% mức quy định, các tiêu chí khác tối thiểu đạt 80% mức quy định của loại đô thị tương ứng; Đề xuất sửa đổi tiêu chí 3 - Mật độ dân số: Đối với dân số của đô thị miền núi áp dụng 50% mức quy định tối thiểu; Đề xuất giảm tiêu chuẩn đất cây xanh công cộng khu vực nội thị đối với đô thị Miền núi.
Đồng thời, kéo dài thời điểm sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính đến hết năm 2026, cùng với đó tăng số lượng cán bộ, công chức cấp xã ở những đơn vị hành chính thực hiện việc sắp xếp.
Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đề nghị tỉnh Hòa Bình làm rõ một số vấn đề liên quan đến công tác sắp xếp đối với 38 cán bộ dôi dư, đồng thời làm rõ những khó khăn vướng mắc trong thực hiện sắp xếp cán bộ dôi dư.
Đồng thời làm rõ việc sắp xếp bố trí các trụ sở trạm y tế của các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện thực hiện sắp xếp nhằm tạo điều kiện để bà con nhân dân tới khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở; việc chuyển đổi cũng như sắp xếp các công sở dôi dư.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao nỗ lực của thành phố Hòa Bình là một trong những địa phương đã chủ động tích cực trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của UBTVQH, quy định của Chính Phủ trong thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính. Nhấn mạnh đây là chủ trương lớn của Đảng nhằm tạo ra không gian phát triển tốt hơn trong bối cảnh tinh giản bộ máy, ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý các dịch vụ công để phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao nỗ lực của thành phố Hòa Bình trong việc tuyên truyền chủ trương của chính sách của Đảng để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân với chủ trương sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính. Đối với vấn đề sắp xếp cán bộ dôi dư, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Thành phố và tỉnh Hòa Bình quan tâm đến bố trí cán bộ dôi dư, xem xét có luân chuyển cán bộ để tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có năng lực.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đánh giá cao việc thành phố đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2025 đạt các tiêu chí của đô thị loại II theo Kế hoạch phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình đã được phê duyệt, tuy nhiên cũng đề nghị thành phố cần tiếp tục quan tâm đến việc đầu tư nâng cấp, để đáp ứng các tiêu chuẩn của đô thị loại II.
Đối với các kiến nghị của địa phương, Đoàn giám sát sẽ tiếp thu, tổng hợp để báo cáo UBTVQH trong thời gian tới./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=64525