Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh

Sáng 27.3, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển, sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021 - 2024, thành phố đã chủ động cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Trung ương, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

 Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh

Trong giai đoạn 2021 - 2024, Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành 18 văn bản quan trọng về phát triển nguồn nhân lực. Các văn bản này đã tạo hành lang pháp lý, cơ sở thực tiễn cho việc triển khai các chương trình GD-ĐT, thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hiện thành phố có 22 Phòng GD-ĐT cùng 122 đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT. Tổng số cán bộ quản lý là 5.391 người, phân bổ đều ở các cấp học. Trình độ đội ngũ giáo viên được cải thiện rõ rệt: 100% giáo viên THPT đạt trình độ cử nhân ngành sư phạm trở lên; bậc THCS đạt 94%, tiểu học 85% và mầm non 81,3%.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ phát biểu tại buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ phát biểu tại buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh

Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cũng được đầu tư mạnh mẽ với 380 cơ sở, 15.973 cán bộ và giáo viên. Trong đó, trình độ trên đại học chiếm gần 30%, đại học gần 39%, còn lại là dưới đại học. Tuy nhiên, tỷ lệ đạt năng lực ngoại ngữ bậc 4 mới đạt 13,08% và tin học nâng cao 17,99%, còn thấp so với yêu cầu hội nhập.

Về lực lượng lao động chung, đến năm 2023, TP. Hồ Chí Minh có gần 9,46 triệu dân, trong đó có hơn 4,84 triệu lao động (chiếm 51,2% dân số). Tỷ lệ lao động nữ đạt 46,47%. Giai đoạn 2020 - 2023, lao động nông thôn có xu hướng tăng (0,24%/năm), trong khi lao động thành thị giảm nhẹ. Lao động ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ lớn (83,47%), đặc biệt ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

 Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại buổi làm việc

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại buổi làm việc

Giai đoạn 2021 - 2024, thành phố đã đào tạo hơn 1,19 triệu người trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, trong đó hơn 530.000 người qua đào tạo chính quy. Giáo dục đại học đào tạo 20.899 sinh viên ở 8 ngành trọng điểm như CNTT, cơ khí, tài chính - ngân hàng, quản trị doanh nghiệp, y tế, du lịch, trí tuệ nhân tạo và quản lý đô thị. Kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học đạt hơn 9,6 tỷ đồng.

Tổng ngân sách đầu tư cho giáo dục và dạy nghề tăng mạnh, từ hơn 14.600 tỷ đồng (2021) lên gần 24.000 tỷ đồng (2024), chiếm 15 - 18% tổng chi ngân sách địa phương.

 Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu tại buổi làm việc

Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu tại buổi làm việc

Thành phố cũng đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái KHCN và đổi mới sáng tạo, thông qua 6 chương trình nghiên cứu trọng điểm và triển khai phong trào thi đua sáng tạo. Các giải thưởng sáng tạo được duy trì thường xuyên, chất lượng ngày càng cao, góp phần nâng cao vị thế nhân lực chất lượng cao tại thành phố.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến công tác phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, các cơ chế chính sách thu hút nhân tài. Đồng thời, các đại biểu cũng nêu những vướng mắc, bất cập và kiến nghị tháo gỡ các khó khăn nhằm bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ cho biết, Đoàn Giám sát ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị và nội dung làm việc của Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh. Thành phố đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng hiện đại, phù hợp với nhu cầu sử dụng; có nhiều chính sách vượt trội trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có việc thu hút nhân lực vào ngành giáo dục và đào tạo.

Ngành GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực GD-ĐT, gắn với đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học, công tác quản trị; quan tâm đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.

Đoàn Giám sát đề nghị ngành GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; có chính sách thiết thực giữ chân đội ngũ giỏi, khuyến khích cạnh tranh, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, thu hút nguồn lực xã hội thông qua các cơ chế, chính sách của Đảng và địa phương; đẩy mạnh phân luồng hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, tạo điều kiện cho các em phát triển sự nghiệp phù hợp với năng khiếu và khả năng.

Thạc Hiếu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doan-giam-sat-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-lam-viec-voi-so-giao-duc-va-dao-tao-tp-ho-chi-minh-post408506.html