ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH KIÊN GIANG
Sáng 09/4/2024, Đoàn giám sát chuyên đề số 2 về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023' của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang về tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Cùng dự có: Đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Pháp luật, Quốc phòng và An ninh; Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang và các bộ, ngành có liên quan.
Kiên Giang là tỉnh nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, có địa hình đa dạng với 4 loại phương tiện đường Bộ, đường Thủy nội địa , đường hàng không; hàng hải. Thời gian qua, Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang thường xuyên quan tâm đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông; mở rộng, nâng cấp một số tuyến giao thông đường bộ; các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ, góp phần giúp cho giao thông được thông suốt, đi lại được thuận tiện ý thức tự giác chấp các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, tình hình TTATGT từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp; tai nạn giao thông tuy được kéo giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Tình hình tai nạn giao thông trên đường bộ 10 năm qua xảy ra hơn 3.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 1.500 người, bị thương hơn 2.600 người. Ở đường thủy xảy ra 101 vụ, chết 87 người, bị thương 10 người.
Nguyên nhân, một số tuyến quốc lộ bị hư hỏng, xuống cấp chậm được khắc phục trong khi mật độ phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh dẫn đến tình trạng quá tải trên một số tuyến đường; ý thức của người tham gia giao thông tuy có nâng lên nhưng vẫn còn ở mức hạn chế. Bên cạnh đó việc trang bị phương tiện, thiết bị nghiệp vụ đôi lúc thiếu so với yêu cầu công tác; lực lượng CSGT tại địa phương hiện nay được đào tạo chính quy chuyên ngành CSGT chiếm tỷ lệ thấp, đa số đã được đào tạo qua các chuyên ngành khác..
Ngoài ra. do nguồn kinh phí để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế. Chưa đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định trách nhiệm trong đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bản tỉnh cho địa phương. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành còn hạn chế; xu hướng hội nhập, giao lưu, hợp tác quốc tế đòi hỏi phải có sự điều chỉnh cho phù hợp để đáp ứng yêu cầu quốc tế hóa, năng lực cạnh tranh, điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân trong lĩnh vực GTĐB….những hạn chế trên đã gây ảnh hưởng đến tình hình công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Kiên Giang kiến nghị: Quốc hội sớm sửa đổi ban hành tách Luật Giao thông đường bộ, thành 02 luật là Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao đường bộ để đáp ứng tình hình thực tiễn quản lý, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải xem xét đầu tư lắp đặt hệ thống camera trên các tuyến Quốc lộ; qua đó xử lý các trường hợp vi phạm, nâng cao nhận thức và ý thức cho người tham gia giao thông. Ngoài ra cần nghiên cứu sửa đổi quy định tiêu chuẩn Bến xe khách theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ trong cung cấp dịch vụ, tiện lợi cho hành khách và doanh nghiệp, không quy định về diện tích, để thuận lợi trong đầu tư; hiện nay đang thực hiện theo Thông tư số 73/2015/TT-BGTVT ngày 11/11/2015 của Bộ GTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách sửa đổi lần 1 năm 2015. Quy hoạch đồng bộ Trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ trong cung cấp dịch vụ; không quy định về diện tích, để thuận lợi trong đầu tư. Bên cạnh đó Bộ Công an xem xét quy mô hạ tầng giao thông và số lượng phương tiện để thành lập Trạm Cảnh sát giao thông đường bộ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa, tỉnh Kiên Giang kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cần xem xét thống nhất quy định về thiết kế, lắp đặt trang thiết bị phòng cháy chữa cháy đối với phương tiện thủy. Xem xét trình Chính phủ ban hành Nghị định thống nhất quản lý tuyến vận tải từ bờ ra đảo, để nâng cao tính pháp lý thực thi trên toàn quốc. Đồng thời có quy định cụ thể vùng nước thủy nội địa khu vực ven bờ, quanh các đảo trong phạm vi từ 10 đến 12 hải lý; hiện nay các phương tiện thủy nội địa không thể hoạt động nếu không chuyển từ VRS1 sang VRSB. Ngoài ta cần phân định rõ chức năng nhiệm vụ của lực lượng Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Đường thủy nội địa để tránh chồng chéo trong công tác quản lý hoạt động vận tải tuyến từ bờ ra đảo.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đề nghị tỉnh cần bổ sung thêm số liệu về những vụ việc chống người thi hành công vụ, nguyên nhân của các vụ việc này; làm rõ việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác xử lý vi phạm về giao thông đường bộ cũng như việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của địa phương trong quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ….
Liên quan đến số vụ tai nạn giao thông đường thủy trong 10 năm qua xảy ra 101 vụ, đại biểu cho rằng đây là con số thấp. Tuy nhiên nếu tính số người chết thì lại gần tương đương với số tai nạn khi có tới 87 người chết, đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Do vậy đề nghị tỉnh cần phải đưa ra những giải pháp cụ thể để khắc phục vấn đề này?
Một số đại biểu yêu cầu tỉnh làm rõ chất lượng đào tạo cấp bằng sát hạch như nào đối với đường thủy nội địa là các thuyền viên; Công tác hợp tác quốc tế giao thông giữa Việt Nam là Campuchia như nào? Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, xử lý “ điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông” đường bộ…Tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ?..
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị báo cáo cần làm rõ hơn các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan; xác định rõ trách nhiệm của ai? Cấp nào? nhất là người đứng đầu và các giải pháp khắc phục.
Đối với đề xuất của Kiên Giang Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, báo cáo, phản ánh đầy đủ đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực này để có giải pháp hiệu quả, thiết thực.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh tin tưởng tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và vùng đồng bằng Sông Cửu Long nói chung./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=86064