Đoàn giám sát: Đề nghị Bộ Tư pháp bổ sung những vấn đề 'nóng' về khiếu nại tố cáo
Tổ công tác của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Báo cáo của Bộ Tư pháp chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện tình hình khiếu nại tố cáo và công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của Bộ Tư pháp.
Tiếp tục giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021, sáng 6/4 tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm trưởng đoàn, làm việc với Bộ Tư pháp. Về phía cơ quan chịu sự giám sát có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Theo Bộ Tư pháp, trong giai đoạn 2016-2021, Bộ đã tiếp hơn 2.300 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tăng 115 lượt so với cùng kỳ. Có 2 đoàn khiếu nại, tố cáo đông người. Việc tiếp công dân của Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ, đã giải quyết xong 83/83 việc. Về giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Bộ đã nhận được hơn 10.700 đơn, tăng hơn so với cùng kỳ. Hệ thống Thi hành án dân sự đã nhận hơn 71.000 đơn, còn 219 việc chưa giải quyết. Về các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, hiện còn 20 việc, trong đó 15 việc đang đôn đốc thi hành án và 5 việc đương sự tiếp tục khiếu nại, tố cáo. Đánh giá chung, số lượng đơn thư nhiều, tính chất phức tạp, có xu hướng tăng. Phần lớn các vụ việc khiếu nại tố cáo phát sinh chủ yếu tập trung vào các vụ việc thi hành án có tính chất phức tạp, giá trị thi hành án lớn.
Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Chính trị tổng kết việc thực Chỉ thị 35 năm 2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo; sơ kết việc thực hiện Quy định 11/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đẩy mạnh việc hoàn thiện và xây dựng pháp luật về khiếu nại tố cáo theo hướng đề cao quyền dân chủ trực tiếp của công dân.
Tổ công tác của Đoàn giám sát cho rằng Báo cáo chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện tình hình khiếu nại tố cáo và công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của Bộ Tư pháp, đề nghị bổ sung những vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm như: về bán đấu giá tài sản hoặc về luật sư, công chứng. Tổ công tác cũng đề nghị Bộ Tư pháp báo cáo, làm rõ lý do, nguyên nhân Bộ chậm sửa đổi Thông tư hướng dẫn Luật Tố cáo 2018, Nghị định 33/2020; chậm sửa đổi Quyết định về Quy chế giải quyết khiếu nại tố cáo và phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại tố cáo của Bộ Tư pháp so với Luật Khiếu nại 2011 và Luật Tố cáo 2018.
Thực hiện : Khắc Phục Dương Dung Quang Sỹ