ĐOÀN GIÁM SÁT ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LÀM VIỆC VỚI SỞ TÀI CHÍNH VỀ THỰC HIỆN TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

Sáng 23/3, Đoàn giám sát Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng có buổi làm việc với Sở Tài chính khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn thành phố. Tham dự buổi làm việc có Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường; Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Phụng báo cáo tại buổi làm việc

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Phụng báo cáo tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Phụng cho biết, căn cứ văn bản quy định của Trung ương và Nghị quyết của HĐND thành phố, UBND thành phố Đà Nẵng đã có các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, ban hành chương trình hành động thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để triển khai thực hiện trên toàn địa bàn thành phố, một số mức chi về công tác phí, chi hội nghị, hội thảo, tiếp khách nước ngoài và trong nước; phân cấp quản lý tài sản.

Đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện chế độ tự chủ tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, và quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.

Qua công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cụ thể đã từng bước có sự chuyển biên mạnh mẽ về vai trò, vị trí, trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, nhận thức của cán bộ công chức trong việc thực hiện. Các ngành, các cấp đã thường xuyên theo dõi, thực hiện và rà soát các văn bản, kịp thời tham mưu bổ sung, sửa đổi các chế độ, chính sách cho phù hợp với thực tế, bãi bỏ những quy định trái với quy định của pháp luật làm cơ sở trong việc giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bên cạnh đó, các cơ quan hành chính đã thực hiện nghiêm túc các chế độ, chỉ tiêu quy định hiện hành của Nhà nước; công khai việc sử dụng kinh phí quản lý hành chính; tổ chức tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ công chức, gắn việc thực hiện chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào quy chế thi đua, khen thưởng của cơ quan.

Giai đoạn 2016-2020, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo dự toán (trừ các khoản chi có tính chất lương, chi cho con người) để tạo nguồn điều chỉnh tiền lương, với tổng số kinh phí 2.215 tỷ đồng. Tổng dư nợ vay đầu kỳ năm 2016 là 2.969,7 tỷ đồng, bằng 52,4% so với hạn mức dư nợ tối đa của ngân sách địa phương năm 2016, trong đó: vay từ trái phiếu chính quyền địa phương 2.600 tỷ đồng, vay lại từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước 159,7 tỷ đồng và vay Ngân hàng phát triển Việt Nam 210 tỷ đồng.

Dư nợ vay đến cuối năm 2021 dự kiến là 1.066,6 tỷ đồng (dư nợ vay lại Chính phủ vay nước ngoài), bằng 20,4% hạn mức dư nợ vay tối đa của ngân sách địa phương năm 2021. Trong giai đoạn 2016-2021, thành phố Đà Nẵng chỉ thực hiện vay lại Chính phủ vay nước ngoài để đầu tư các dự án phát triển cơ sở hạ tầng cụ thể, ưu tiên dành nguồn trả nợ đến hạn, không để xảy ra nợ quá hạn, đảm bảo mức dư nợ vay ngân sách địa phương trong hạn mức cho phép, đảm bảo an toàn nợ công.

Đối với việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, theo Giám đốc Sở Tài chính, trên tinh thần xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của thành phố nhằm phát huy vai trò “kích thích trong tăng trưởng và phát triển kinh tế của vốn đầu tư công”, thành phố Đà Nẵng thường xuyên chủ động xây dựng kế hoạch giải ngân ngay từ đầu năm, chi tiết đối với từng chủ đầu tư và dự án để có cơ sở đôn đốc, giám sát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc kịp thời.

Với đặc thù của giải ngân vốn đầu tư công phải qua nhiều khâu, thực hiện nhiều bước, nhiều đơn vị sau khi đã được giao kế hoạch vốn, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, đây là thực trạng chung và là vướng mắc của cả nước, giải ngân phải tích lũy khối lượng và có đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định, khác với chi thường xuyên, ngoài ra với thành phố Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung, giải ngân trong các tháng cuối năm gặp ảnh hưởng lớn của tình hình thiên tai, bão lũ, đây là thời điểm khối lượng được tích lũy nhiều.

Do đó, dù nỗ lực, chủ động ngay từ đầu năm, song quy mô giải ngân kế hoạch vốn hằng năm theo niên độ tài chính được tính đến hết tháng 1 năm sau và đạt từ 80-90% so với tổng kế hoạch vốn được giao, số còn lại phải chuyển nguồn sang năm sau theo quy định.

Trong quá trình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, thành phố Đà Nẵng đã điều hành dự toán chi một cách linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp với tiến độ thu ngân sách nhà nước, đảm bảo cân đối ngân sách. Nhìn chung, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động cân đối nguồn dự toán được giao để thực hiện các nhiệm vụ phát sinh, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định, không để xảy ra tình trạng nợ chính sách.

Trong giai đoạn 2020-2021, khi nguồn thu ngân sách gặp khó khăn trong khi phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cấp bách phát sinh như phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn, địa phương đã thực hiện tiết kiệm kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên ngoài số đã giao dự toán để bổ sung nguồn lực chi cho phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo cân đối ngân sách, tổng số tiết kiệm trong năm 2020-2021 là 291 tỷ đồng.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường phát biểu kết luận buổi làm việc

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường phát biểu kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, thay mặt Đoàn công tác, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm của Sở Tài chính trong vai trò là cơ quan chuyên môn tham mưu giúp việc cho UBND thành phố triển khai thực hiện Luật 44/2013/QH13 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương liên quan đến công tác tài chính ngân sách trên địa bàn thành phố. Trong đó, nổi bật là công tác tăng thu, tiết kiệm chi để đảm bảo nguồn lực của thành phố cho đầu tư phát triển và dự trữ.

“Có thể nói, qua thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách phát sinh như phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn cho thấy, việc thực hành tiết kiệm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu không có nguồn dữ trự từ những năm qua, nguồn lực để triển khai công tác phòng, chống dịch sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường nhận định.

Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai Luật 44/2013/QH13 và các chính sách liên quan, cũng như đề xuất, kiến nghị của Sở Tài chính tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đề nghị Sở Tài chính tổng hợp các ý kiến phát biểu, nội dung góp ý để hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn công tác; trên cở sở đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tổng hợp, báo cáo Quốc hội, Chính phủ xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế triển khai.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=63078