Đoan Hùng tập trung quy hoạch phát triển vùng bền vững
Những năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế... song với sự quyết tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân cùng sự phối hợp triển khai đồng bộ...
Đoan Hùng tập trung quy hoạch vùng sản xuất CN-TTCN, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, làng nghề.
(baophutho.vn) - Những năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế... song với sự quyết tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân cùng sự phối hợp triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ nên các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm, xây dựng nông thôn mới, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), thương mại-dịch vụ (TM-DV) trên địa bàn huyện Đoan Hùng luôn ổn định và đạt mức tăng trưởng khá.
Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020 đạt 4%/năm. Nhiều giống cây, con, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được ứng dụng, đưa vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cây trồng, vật nuôi; nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản, đảm bảo an ninh lương thực và nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến. Cùng với nông nghiệp, sản xuất CN-TTCN, tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn đạt 7,1%. Quy mô sản xuất CN-TTCN ngày càng được mở rộng, đã thu hút được một số cơ sở sản xuất, chế biến đầu tư vào địa bàn, giải quyết nhiều việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân.Hoạt động TM-DV ngày càng được đầu tư phát triển với hình thức kinh doanh tiên tiến, đa dạng các siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, chợ, hội chợ... Các cơ sở kinh doanh mở rộng quy mô, thay đổi phương thức bán hàng, tìm kiếm thị trường, sản phẩm đa dạng, chất lượng đảm bảo, xây dựng được uy tín đối với khách hàng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 7,5%/năm, góp phần không nhỏ trong tăng trưởng kinh tế chung của huyện.Với quan điểm nhất quán, phát triển sản xuất nông nghiệp, CN-TTCN, TM-DV một cách toàn diện, bền vững trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng miền, gần đây, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Đoan Hùng đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển sản xuất nông nghiệp, CN-TTCN, TMDV thành vùng, khu vực tập trung theo hướng bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.Để thực hiện hiệu quả mục tiêu của Nghị quyết, huyện đã đề ra các giải pháp, trong đó tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công tác tổ chức sản xuất; rà soát, điều chỉnh quy hoạch thành vùng, khu vực phát triển sản xuất nông nghiệp, CN-TTCN, TMDV; cơ cấu lại sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh để đầu tư nguồn lực tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn.Đối với sản xuất nông nghiệp, huyện tiến hành cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng chuỗi liên kết, tập trung vào các sản phẩm có thế mạnh như cây bưởi, cây chè, lúa, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp. Trong đó, tiếp tục phát triển cây bưởi theo 2 vùng: Vùng 1 tập trung tại xã Bằng Luân, Bằng Doãn, Phúc Lai, Minh Lương, Phú Lâm với diện tích 965ha; định hướng đến năm 2025 mở rộng thêm 680ha. Vùng 2 gồm các xã Hùng Xuyên, Vân Du, Chí Đám với diện tích bưởi 545ha; định hướng đến năm 2025 mở rộng thêm 310ha. Vùng trồng chè tập trung tại các xã Tây Cốc, Ca Đình, Phúc Lai. Vùng sản xuất cây lâm nghiệp tập trung tại Minh Lương, Bằng Luân, Bằng Doãn, Phúc Lai, Ca Đình, Phú Lâm. Đối với cây lúa, xây dựng thành 2 vùng sản xuất gồm các xã: Chí Đám, Vân Du, Hùng Xuyên, Yên Kiện, Tiêu Sơn, Vân Đồn, Minh Phú. Vùng chăn nuôi gia súc tập trung tại Vụ Quang, Minh Phú, Hùng Long, Hợp Nhất. Vùng chăn nuôi gia cầm tại Vân Du, Hợp Nhất, Hùng Xuyên. Vùng chăn nuôi cá lồng trên sông Lô gồm Hùng Long, Vụ Quang, Hợp Nhất. Về quy hoạch vùng sản xuất CN-TTCN, huyện sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (CCN) làng nghề Sóc Đăng, CCN Ngọc Quan; định hướng quy hoạch CCN tại xã Minh Tiến. Hình thành, quy hoạch các điểm sản xuất tập trung phát triển CN-TTCN tại xã Vân Du, Tây Cốc, Yên Kiện, Tiêu Sơn. Duy trì và phát triển các làng nghề hiện có; khuyến khích hình thành các HTX. Về TM-DV, quy hoạch và thu hút đầu tư nâng cấp chợ trung tâm thị trấn Đoan Hùng; quy hoạch phát triển khu vực TM-DV xã Hợp Nhất, Chí Đám, Chân Mộng nhằm khai thác tiềm năng lợi thế của vùng cận đô thị ven sông và cửa ngõ phía Nam của huyện. Tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ hiện có, chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ như: Tài chính ngân hàng, khám chữa bệnh, bảo hiểm, y tế và các dịch vụ công ích khác...Ngoài các vùng quy hoạch trên, các xã, thị trấn căn cứ vào điều kiện thực tế, thế mạnh để xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, CN-TTCN, TM-DV bền vững, phù hợp với địa phương.