Đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đưa Tây Ninh phát triển nhanh, bền vững
Là tỉnh có hơn 70% đồng bào có đạo, MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh tích cực vận động các tôn giáo trên địa bàn chung sức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
Tây Ninh là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với dấn số gần 1,2 triệu người, có đường biên giới dài khoảng 240km, với 16 cửa khẩu (3 cửa khẩu quốc tế, 3 cửa khẩu quốc gia và 10 cửa khẩu phụ).
Tỉnh có 9 đơn vị hành chính trực thuộc cấp tỉnh, 94 đơn vị hành chính cấp xã và 535 ấp, khu phố; có 21 dân tộc thiểu số, chiếm 1,73% dân số trong toàn tỉnh; có 8 tôn giáo, với khoảng 70% dân số theo đạo (trong đó người dân có tôn giáo Cao Đài chiếm khoảng 50%, là trung tâm tôn giáo Cao Đài cả nước).
Với đặc trưng là tỉnh có hơn 70% đồng bào có đạo, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp trong tỉnh Tây Ninh tích cực vận động các tôn giáo trên địa bàn chung sức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương với phương châm “Tốt đời, đẹp đạo”, "Nước vinh, Đạo sáng", “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội”.
Đại bộ phận đồng bào tín đồ và chức sắc các tôn giáo tin tưởng, phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về đời sống vật chất, tinh thần, nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, hoạt động xã hội, từ thiện và giữ mối quan hệ tốt với chính quyền, MTTQ ở địa phương.
Ở thời điểm đại dịch COVID-19, các tổ chức tôn giáo đều chấp hành các quy định về phòng, chống dịch trong sinh hoạt tôn giáo, thực hiện giãn cách xã hội và tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của MTTQ cùng chung tay góp sức, đồng hành cùng các cấp chính quyền trong việc ủng hộ phòng, chống dịch với nhiều hình thức.
Các tổ chức tôn giáo đã ủng hộ quỹ phòng chống dịch và vaccine với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng; hỗ trợ và trao tặng vật tư y tế, nước sát khuẩn, gạo, nhu yếu phẩm cho người dân và lực lượng phòng, chống dịch; phối hợp với MTTQ tổ chức các chuyến thăm, tặng quà cho các chốt phòng chống dịch trên tuyến biên giới và tham gia phục vụ trong các bệnh viện dã chiến, khu cách ly với tinh thần phụng sự, không ngại khó khăn.
Có thể nói, thử thách của đại dịch COVID-19 đã làm sáng ngời tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, làm sáng rõ “sức mạnh của lòng dân”.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, Tây Ninh là một tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều khởi sắc, trong đó có sự tham gia tích cực của MTTQ Việt Nam tỉnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao MTTQ tỉnh đã bám sát định hướng của Trung ương, bám sát nhiệm vụ của tỉnh để xác định phương hướng mục tiêu, chương trình hành động.
Trong thời gian tới, bà Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục tập trung, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, các chức sắc tôn giáo; tiếp tục giữ vai trò đoàn kết giữa các tôn giáo, mở rộng hình thức tập hợp quần chúng nhân dân phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa.
Triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước với phương châm: người dân là chủ thể từ khâu bàn bạc, quyết định các nội dung; giám sát, kiểm tra và là người thụ hưởng thành quả. Tất cả tập trung cho phong trào “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo với mục tiêu hoàn thành cơ bản vào năm 2025".
Ông Nguyễn Võ Đức Trong, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh cho biết, nhiệm kỳ qua, được sự quan tâm hướng dẫn của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp đồng bộ có hiệu quả của chính quyền và các tổ chức thành viên; hệ thống mặt trận các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, góp phần tích cực vào việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Trong đó, tổng sản phẩm xã hội trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân trong 2,5 năm đạt 4,72 %, thu nhập bình quân đầu người từ 3.190 USD (năm 2020) tăng lên 3.690 USD vào năm 2022.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; lĩnh vực văn hóa - xã hội được đẩy mạnh, công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt, chất lượng cuộc sống nhân dân từng bước được nâng lên, công tác đối ngoại được tăng cường.
Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch COVID-19, với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực và nguồn lực to lớn góp phần giúp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh vượt qua khó khăn, phục hồi, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phát huy vai trò liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã khích lệ, động viên các tầng lớp Nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc tỉnh nhà.
"Trong nhiệm kỳ năm qua, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh không ngừng được củng cố, tăng cường. Các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đa số đồng thuận, tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, củng cố hệ thống chính trị. Hầu hết nhân dân trên địa bàn tỉnh phấn khởi với những thành tựu trên các lĩnh vực của tỉnh trong những năm qua", ông Trong nói.
Theo ông Trong, bên cạnh những mặt đạt được, người dân vẫn còn băn khoăn, lo lắng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tuy có phát triển nhưng chưa thực sự bền vững, nhất là trước hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội, việc làm, thu nhập và đời sống của người dân, hoạt động của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự an toàn giao thông, giá cả và thị trường tiêu thụ một số mặt hàng nông sản thiếu ổn định, giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp và các mặt hàng thiết yếu tăng cao;
Tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Tình trạng tiêu cực, suy thoái đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chậm được đẩy lùi...
Ngoài ra, các thế lực thù địch luôn âm mưu hoạt động chống phá, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu công cuộc đổi mới, lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền… để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc với nhiều hình thức nhưng chủ yếu tập trung qua hoạt động qua mạng Internet.
Vì thế, người dân mong muốn các cấp ủy Đảng tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; chính quyền tập trung nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, điều hành.
Kịp thời đề ra chủ trương, giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân;
Luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của Nhân dân để xây dựng và hoàn thiện chủ trương, chính sách nhằm phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.