Đoàn kết để bứt phá
HNN - 'Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công' - câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ giữa thế kỷ trước, giờ đây tiếp tục được Tổng Bí thư Tô Lâm tái khẳng định trong bài viết 'Sức mạnh của đoàn kết'.

Hồ Chủ tịch luôn xem đại đoàn kết dân tộc là kim chỉ nam cho mọi hành động. Ảnh: Tư liệu
Tư tưởng đoàn kết toàn dân tộc không phải đến hôm nay mới được khẳng định. Đó là một giá trị xuyên suốt trong lịch sử cách mạng Việt Nam, từ thời dựng nước đến công cuộc giữ nước và phát triển đất nước. Song, điểm đặc biệt trong bối cảnh hiện nay là tinh thần ấy không chỉ được khơi dậy bằng truyền thống, mà đang được vận dụng như một phương thức tổ chức lại xã hội - một năng lực điều hành thực chất chứ không đơn thuần là tình cảm hay khẩu hiệu.
Sự thay đổi cơ cấu chính quyền, sáp nhập đơn vị hành chính, triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tổ chức lại không gian phát triển… không chỉ đòi hỏi tầm nhìn chính trị mà còn đòi hỏi bản lĩnh lãnh đạo, năng lực vận hành đồng bộ, và trên hết, là khả năng xây dựng sự đồng thuận sâu sắc trong toàn xã hội. Bởi lẽ, mọi cuộc cải cách, dù đúng hướng đến đâu, nhưng nếu thiếu đoàn kết, sẽ chỉ là cuộc chuyển động mang tính hình thức và dễ dẫn đến đổ vỡ niềm tin.
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ nêu cao giá trị đoàn kết trong lịch sử, mà đã đẩy khái niệm ấy thành một yêu cầu chiến lược trong thời kỳ tái thiết thể chế hiện nay. Đó là khi tinh gọn bộ máy không còn là câu chuyện nội bộ của hành chính nhà nước, mà là phép thử với niềm tin của Nhân dân. Khi sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ đơn thuần là “chia tách - nhập lại”, mà là tổ chức lại đời sống xã hội, thay đổi quyền lực chính trị ở cấp cơ sở và phân phối lại các nguồn lực phát triển. Muốn làm được điều đó, phải có sự thống nhất tư tưởng từ Trung ương đến địa phương, từ lãnh đạo đến cơ sở, từ cán bộ đến Nhân dân. Mà đoàn kết trong thời đại mới, như Tổng Bí thư phân tích, không thể là sự “gồng mình” chịu đựng, không thể là “bằng mặt không bằng lòng”, mà phải là sự đồng lòng tự giác, dựa trên hiểu biết, tin tưởng và cùng hướng tới một lợi ích chung. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay không chỉ cần giữ gìn đoàn kết như một phẩm chất, mà còn phải xem đó là kỹ năng chính trị, là yêu cầu của hành vi công vụ.
Từ việc tổ chức lại đội ngũ, điều động nhân sự, cho đến phân bổ ngân sách, lựa chọn địa điểm đặt trụ sở…, tất cả đều là bài toán tổ chức lại xã hội, mà nếu thiếu sự phối hợp, lắng nghe và chia sẻ, thì không những mất đoàn kết mà còn khó tránh khỏi những xáo trộn, bất ổn.
Một thông điệp quan trọng khác từ bài viết là: Đoàn kết không thể chỉ dựa trên kêu gọi tinh thần, mà phải được bảo đảm bằng cơ chế công bằng, minh bạch và hiệu quả thực thi. Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò của chính sách rõ ràng đối với những cán bộ bị ảnh hưởng sau sáp nhập; yêu cầu phân bổ nguồn lực phát triển không thiên lệch giữa các vùng miền; và đặc biệt cảnh báo về tâm lý cục bộ, thiệt hơn có thể làm rạn nứt khối đại đoàn kết.
Ở đây, đoàn kết không còn là sự đồng thuận đơn thuần, mà là cam kết chính trị trong thiết kế chính sách. Khi những lợi ích cục bộ được hài hòa, khi sự đóng góp được ghi nhận, và khi công sức của người vì cái chung được khen thưởng kịp thời - đó mới là môi trường để đoàn kết thực sự trở thành động lực đổi mới.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh yêu cầu nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là trong giai đoạn “nhạy cảm” khi tái cơ cấu. Đoàn kết không tự hình thành từ những lời kêu gọi, mà nó được hình thành từ hành vi ứng xử, từ cách giải quyết bất đồng, từ thái độ sẵn sàng lắng nghe, đối thoại và thuyết phục. Giữ gìn đoàn kết trong bối cảnh hiện nay không phải là “giữ hòa khí nội bộ”, mà là dám đối diện với khác biệt, tìm tiếng nói chung và hành động có trách nhiệm. Những người có thể “hy sinh lợi ích cá nhân vì đại cục” chính là hạt nhân của đoàn kết mới - đoàn kết bằng hành động chứ không chỉ bằng cam kết.
“Đoàn kết là sức mạnh vô địch” - như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định. Và sức mạnh ấy không nằm ở số lượng người đồng tình, mà nằm ở chất lượng hành động của những người dám tiên phong, dám đổi mới, dám gắn bó quyền lực với trách nhiệm.
Đoàn kết là yêu cầu của thời cuộc, là bản lĩnh chính trị và là điều kiện tiên quyết để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, vững mạnh, bền vững và không ai bị bỏ lại phía sau.