Ủy ban Nhân quyền đánh giá cao những tiến bộ của Việt Nam trong một số lĩnh vực

'Ủy ban Nhân quyền đã ghi nhận và đánh giá cao những tiến bộ của Việt Nam trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như việc phê chuẩn 7 trong tổng số 9 điều ước quốc tế cốt lõi về quyền con người…', Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho hay.

Trong 2 ngày 7-8/7, Đoàn Việt Nam vừa tham gia Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia thực thi công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) tại Phiên họp thứ 144 của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneve, Thụy Sỹ.

Phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia ICCPR của Việt Nam lần thứ 4 tại Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Ảnh: TTXVN

Phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia ICCPR của Việt Nam lần thứ 4 tại Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Ảnh: TTXVN

Chia sẻ thông tin với báo giới về kết quả Phiên đối thoại, Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh - Trưởng Đoàn Việt Nam cho biết: “Việt Nam đã có một phiên đối thoại với Ủy ban nhân quyền trên tinh thần thẳng thắn, chân thành, cầu thị. Đây là một phiên đối thoại rất thành công”.

Đoàn Việt Nam đã đưa ra thông điệp rõ ràng để khẳng định quan điểm, chủ trương nhất quán của Việt Nam với phương châm đặt con người ở vị trí trung tâm, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.

Trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, Việt Nam luôn dành những nguồn lực tốt nhất, nỗ lực và cam kết mạnh mẽ để thúc đẩy, đảm bảo thực thi một cách tốt nhất quyền con người, quyền công dân, trong đó có các quyền dân sự và chính trị theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR).

Tại Phiên đối thoại, Ủy ban Nhân quyền đã ghi nhận và đánh giá cao những tiến bộ của Việt Nam trong một số lĩnh vực. Chẳng hạn như việc phê chuẩn 7 trong tổng số 9 điều ước quốc tế cốt lõi về quyền con người; xây dựng và hoàn thiện thể chế nhằm phòng ngừa phân biệt đối xử và những nỗ lực giải quyết vấn đề bạo lực gia đình, bình đẳng giới và phòng, chống tham nhũng…

Đoàn Việt Nam đã cung cấp các thông tin khá toàn diện về những nỗ lực, bước phát triển mới trong tiến trình đảm bảo và thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị. Ảnh: TTXVN

Đoàn Việt Nam đã cung cấp các thông tin khá toàn diện về những nỗ lực, bước phát triển mới trong tiến trình đảm bảo và thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị. Ảnh: TTXVN

Để làm rõ hơn những vấn đề quan tâm của Ủy ban, Việt Nam đã cung cấp các thông tin khá toàn diện về những nỗ lực, bước phát triển mới trong tiến trình đảm bảo và thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị kể từ sau Phiên đối thoại với Ủy ban nhân quyền vào năm 2019 đến nay.

Các thành viên Đoàn công tác liên ngành đã chủ động, tích cực trao đổi về các khía cạnh đa dạng trong chính sách và pháp luật của Việt Nam, từ xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, đến thực thi chính sách, pháp luật, các biện pháp bảo đảm quyền con người.

Sẽ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một kế hoạch hành động quốc gia với sự tham gia của các bộ, ngành và các chủ thể có liên quan để tiếp tục tăng cường thực thi hiệu quả Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc nêu tại phiên đối thoại.

Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh

Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh

Kế hoạch sẽ nhấn mạnh một số nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục tăng cường quán triệt, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là ở các cơ quan xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật về các quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng về quyền con người trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, cải cách tư pháp...

Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Hai là, tiếp tục rà soát, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về quyền con người và nội luật hóa các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên; đảm bảo hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người làm trung tâm nhằm bảo đảm quyền con người.

Đồng thời, thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gắn với cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến để người dân được thụ hưởng trên thực tế những lợi ích mà cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy nhà nước mà chúng ta đang thực hiện.

Các bộ, ngành trung ương cần kịp thời hướng dẫn xử lý, giải quyết những bất cập (nếu có) khi địa phương vận hành hoạt động theo mô hình tổ chức mới; tăng cường hậu kiểm để nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cấp cơ sở, bảo đảm pháp luật được thi hành hiệu quả, trong đó có việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Ba là, thực hiện tốt Nghị quyết số 66 về tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa công tác lập pháp và thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật đi vào cuộc sống. Đây cũng là nội dung được Ủy ban Nhân quyền nêu ra tại phiên đối thoại lần này.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/uy-ban-nhan-quyen-danh-gia-cao-nhung-tien-bo-cua-viet-nam-trong-mot-so-linh-vuc-2419871.html