Đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

Phong trào 'Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững' là một trong những nội dung lớn nhằm phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Mô hình chăn nuôi bò 3B của gia đình nông dân Lê Tiến Toàn

Mô hình chăn nuôi bò 3B của gia đình nông dân Lê Tiến Toàn

Những năm qua, phong trào đã được các cấp Hội Nông dân triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Qua đó khơi dậy ý chí, tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất của nông dân, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư thâm canh, tăng vụ, đẩy mạnh liên kết sản xuất, kinh doanh để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đến thăm mô hình nuôi bò 3B của gia đình nông dân Lê Tiến Toàn tại khu 4, xã Lang Sơn, huyện Hạ Hòa, nhiều người không khỏi bất ngờ với cách làm sáng tạo, kết hợp được kinh nghiệm của nhà nông và kiến thức, khoa học kỹ thuật hiện đại trong việc chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao của ông Toàn.

Từ việc quy hoạch, xây dựng hệ thống chuồng trại phù hợp, áp dụng việc chăn nuôi theo đúng kỹ thuật, kết hợp sử dụng các loại thức ăn đa dạng nên đàn bò gần 100 con đều phát triển khỏe mạnh, cho thu nhập gần 1 tỉ đồng/năm. Mô hình của ông Toàn tạo việc làm ổn định cho 10 lao động thời vụ và thường xuyên. Gia đình ông Toàn là một trong số những thành viên hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng Lang Sơn, chuyên chăn nuôi bò 3B tại quy mô hộ gia đình, mang lại hiệu quả kinh tế cao của địa phương.

Tương tự hộ ông Toàn, gia đình chị Hà Thị Danh ở xóm Dụ, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn tham gia liên kết nuôi gà nhiều cựa - giống gà đặc sản của huyện Tân Sơn. Dưới sự hướng dẫn về kỹ thuật và hỗ trợ về con giống, chị Danh đã cải tạo khu vực đồi của gia đình vừa trồng cây, vừa làm vườn rộng để có thể nuôi gà nhiều cựa. Chị cho biết: Gà nhiều cựa có thời gian sinh trưởng, phát triển chậm nhưng giá cao hơn các loại gia cầm khác, giao động khoảng 180 đến 200 ngàn đồng/kg; vào dịp Tết giá khoảng 250 ngàn đồng/kg.

Đặc biệt, những cặp gà đẹp có thể bán được cả triệu đồng. Tuy nhiên, nếu nuôi theo kiểu tự phát thì hiệu quả không cao. Việc liên kết trong chăn nuôi đã giúp các hộ tăng cường hoạt động kết nối, giới thiệu, quảng bá để sản phẩm gà nhiều cựa được biết đến rộng rãi, ổn định thị trường và giá thành. Đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Sơn Nguyễn Thái Sơn cho biết: Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã trở thành động lực để người nông dân mạnh dạn khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, lao động; thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp; các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ nông sản và ngày càng thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia.

Đàn gà nhiều cựa của gia đình chị Hà Thị Danh sinh trưởng, phát triển tốt

Đàn gà nhiều cựa của gia đình chị Hà Thị Danh sinh trưởng, phát triển tốt

Để phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tiếp tục đi vào chiều sâu, góp phần đẩy mạnh phong trào nông dân tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững, ngay từ đầu năm 2024, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành, thị triển khai đăng ký hộ “Sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp, đã có gần 136.000 hộ đăng ký, đạt 68,5% so với số hội viên nông dân.

Cùng với đó, các cấp Hội tổ chức tốt các hoạt động tương trợ, giúp đỡ trong nội bộ nông dân, thông qua các hoạt động thiết thực như: Phổ biến kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất; cho vay vốn, đổi công; cung cấp cây, con giống, vật tư, lương thực... với tổng giá trị trên 3,9 tỷ đồng và trên 4.800 ngày công cùng các loại cây, con giống, lương thực... đã hỗ trợ, giúp đỡ tương đương 868 triệu đồng. Qua đó đã giúp đỡ 257 gia đình hội viên nông dân thoát nghèo. Nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã ủng hộ, đóng góp hàng chục triệu đồng cho các quỹ ở địa phương, trở thành hạt nhân uy tín trong cộng đồng cư dân, góp phần xây dựng tổ chức Hội, củng cố, tăng cường đoàn kết ở nông thôn.

Thời gian tới, các cấp Hội sẽ tổ chức cho hội viên, nông dân đăng ký và bình xét hộ sản xuất, kinh doanh giỏi theo đúng quy định của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Đồng thời tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều chương trình như: Tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, trong đó chú trọng công tác vận động cán bộ, hội viên, nông dân và hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tham gia tương trợ, giúp đỡ trong nội bộ nông dân, ủng hộ về vốn, giống, vật tư, ngày công, hướng dẫn cách làm... để các hộ nghèo, hộ khó khăn vươn lên làm giàu, thoát nghèo bền vững...

Phấn đấu trong năm 2024, toàn tỉnh có trên 65.000 hộ nông dân đạt danh hiệu Sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; thành lập được 35 Câu lạc bộ nông dân Sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Hoàng Giang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/doan-ket-giup-nhau-phat-trien-kinh-te-giam-ngheo-ben-vung-215138.htm