'Đoàn kết - Nhân ái - Hội nhập - Tiến bộ' đưa Hội người mù tỉnh Thanh Hóa ngày càng phát triển vững mạnh
Sáng 20/12, Hội người mù tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Đại hội đại biểu khóa VIII, nhiệm kỳ 2024-2029. Dự đại hội có đồng chí Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội người mù Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh; và 128 đại biểu chính thức đại diện cho 3.026 hội viên thuộc Hội người mù tỉnh Thanh Hóa.
Nhiệm kỳ 2019 – 2024, trong điều kiện gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo của Hội người mù Việt Nam; sự phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện có hiệu quả các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các nhà hảo tâm và nhân dân trong tỉnh, Ban Chấp hành Hội người mù tỉnh Thanh Hóa luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, chủ động trong công tác, linh hoạt trong tổ chức để thực hiện và hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Trong đó, nổi bật là công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tập hợp hội viên. Hội người mù tỉnh thường xuyên chú trọng đến việc mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ các cấp Hội trong tỉnh về nghiệp vụ công tác Hội. Trong nhiệm kỳ 2019 – 2024, Hội người mù tỉnh đã mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 600 lượt cán bộ các cấp Hội. Sau quá trình tập huấn, bồi dưỡng, nhiều cán bộ chủ chốt các cấp Hội đã phát huy trình độ năng lực, tổ chức quản lý và điều hành hoạt động Hội đạt kết quả tốt.
Công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí được quan tâm thực hiện mang lại hiệu quả cao. Trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, Trung tâm Giáo dục dạy nghề cho người mù Thanh Hóa (gọi tắt là Trung tâm), đã tổ chức dạy chữ và xóa mù chữ Braille cho 490 hội viên. Ngoài ra, Trung tâm đã mở 4 lớp học nghề tẩm quất cổ truyền, tác động cột sống và vi tính văn phòng cho 80 học viên tại Trung tâm theo kinh phí hỗ trợ của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Cùng với đó, Hội người mù tỉnh luôn chú trọng đến công tác tạo nguồn vốn vay, giải quyết việc làm và chăm sóc đời sống hội viên. Hội xác định nghề tẩm quất cổ truyền và tăm tre là 2 nghề chính, nghề mũi nhọn truyền thống đem lại việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho hội viên. Đến nay, mỗi huyện hội đều có ít nhất 1 cơ sở sản xuất tăm tre và tẩm quất cổ truyền tập trung cho người mù. Hầu hết các cơ sở thường xuyên nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất đảm bảo khang trang, sạch sẽ, chú trọng trang bị các đồ dùng cần thiết, cải tiến trang thiết bị kỹ thuật, nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm nhằm thu hút và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Nhờ đó, theo ước tính có hơn 300 lao động thuộc hội viên của Hội người mù tỉnh có việc làm thường xuyên, thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu lao động sản xuất tập trung trong nhiệm kỳ 2019 - 2024 đạt gần 93 tỷ đồng.
Trong nhiệm VIII (2024-2029), với phương châm hành động “Đoàn kết - Nhân ái - Hội nhập - Tiến bộ”, Hội người mù tỉnh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tăng cường kết nối, tập hợp, thu hút hội viên tham gia sinh hoạt Hội; tăng cường giáo dục Chương trình phổ thông cho 40 – 60 trẻ em mù ăn, ở, học tập tập trung tại Trung tâm. Mỗi năm dạy chữ và chống tái mù chữ Braille cho 80 hội viên trở lên. 100% cán bộ Hội được tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng công tác hội; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phấn đấu doanh thu và lương bình quân người lao động mỗi năm tăng từ 10% trở lên, tổng doanh thu đạt 160 tỷ đồng trở lên, tạo việc làm thường xuyên cho 400 hội viên trở lên...
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, đồng chí Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội người mù Việt Nam ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những kết quả mà Hội người mù tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong nhiệm kỳ 2019 – 2024.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch Hội người mù Việt Nam Phạm Viết Thu đề nghị: Các cấp Hội người mù tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục đoàn kết, năng động, sáng tạo nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng các cấp Hội người mù ngày càng phát triển, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ VIII (2024-2029), đã đề ra.
Cần tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, hướng về người mù, chăm lo xây dựng tổ chức hội vững mạnh; làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vận động, khuyến khích cộng đồng xã hội chung tay giúp đỡ người mù. Bảo về quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên.
Hội người mù tỉnh cần tiếp tục quan tâm đến công tác vay vốn, giải quyết việc làm cho hội viên. Thường xuyên kiểm tra tay nghề của các học viên đã được đào tạo hiện đang hành nghề tại các cơ sở dịch vụ của hội để có kế hoạch đào tạo nâng cao tay nghề.
Tại đại hội, Hội người mù Việt Nam đã tặng kỷ niệm chương “Vì hạnh phúc người mù” cho các cá nhân đã quan tâm tạo điều kiện, giúp đỡ Hội người mù tỉnh Thanh Hóa hoạt động có hiệu quả trong nhiều năm; tặng kỷ niệm chương cho 3 cá nhân đã có thành tích trong quá trình tham gia xây dựng Hội, góp phần chăm lo đời sống hội viên và người mù; tặng Bằng khen cho tập thể cán bộ, giáo viên Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề cho người mù tỉnh Thanh Hóa.
Đại hội đã bầu Ban chấp hành khóa VIII, nhiệm kỳ 2024-2029 gồm 26 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Xuân Trung tiếp tục tái đắc cử Chủ tịch Hội người mù tỉnh Thanh Hóa khóa VIII, nhiệm kỳ 2024-2029.