Đoàn kết nhân dân bảo vệ môi trường

Mô hình 'Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường' được MTTQ các cấp trong tỉnh nhân rộng đã và đang tác động tích cực đến nhận thức và hành động bảo vệ môi trường của người dân.

Thôn Phương Bằng, xã Hồng Hưng (Gia Lộc) tổ chức giám sát chặt chẽ việc thu gom rác thải

Thôn Phương Bằng, xã Hồng Hưng (Gia Lộc) tổ chức giám sát chặt chẽ việc thu gom rác thải

Những mô hình hay

Về dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2019 ở thôn Phương Bằng, xã Hồng Hưng (Gia Lộc) thấy đường làng, ngõ xóm nơi đây phong quang, sạch đẹp. Gia đình nào cũng có một thùng rác để cạnh cổng. Bà Phạm Thị Huệ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phương Bằng cho biết: "Người dân quê tôi không chỉ chủ động giữ vệ sinh xung quanh gia đình mình, biết phân loại rác thải mà còn có ý thức giữ vệ sinh chung. Nếu phát hiện nhà ai xả rác ra đường, cống rãnh... là họ sẽ góp ý ngay".

Trước đây, thôn Phương Bằng cũng còn nhiều hạn chế trong bảo vệ môi trường, người dân xả rác bừa bãi, vứt vỏ lọ thuốc bảo vệ thực vật không đúng nơi quy định. Nhiều hộ chăn nuôi chưa quan tâm xử lý chất thải, để ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của những gia đình xung quanh. Năm 2010, thôn triển khai mô hình điểm "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường" cấp tỉnh. Thôn thành lập tổ tự quản bảo vệ môi trường gồm 20 thành viên là trưởng các chi hội, đoàn thể và những người có uy tín.

Tổ tự quản thường xuyên tuyên truyền nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; cử 4 người làm nhiệm vụ thu gom rác thải tại các gia đình; giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của tổ thu gom rác thải và ý thức giữ vệ sinh của các hộ dân... Thôn giao các đoạn đường cho các chi hội, đoàn thể tự quản.

Định kỳ mỗi quý 1 lần tổ chức toàn dân ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, thu hút 100-200 người tham gia... "Mô hình tự quản bảo vệ môi trường của thôn Phương Bằng cho hiệu quả rõ nét. Từ thành công của mô hình này, đến nay các thôn trong xã đều đã học tập, nhân rộng", ông Hà Xuân Nhiệm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hồng Hưng nói.

Thôn An Nghiệp, xã Tứ Cường (Thanh Miện) có nhiều doanh nghiệp, trụ sở các cơ quan. Những năm trước, do ý thức còn hạn chế nên không ít người dân xả rác bừa bãi, đốt rơm rạ... Một số doanh nghiệp từ nơi khác còn mang rác thải công nghiệp đến đổ trộm...

Năm 2017, MTTQ xã chọn thôn An Nghiệp để xây dựng mô hình "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu". Ủy ban MTTQ xã phối hợp với lãnh đạo thôn phân tích thực trạng, nguy cơ, nguyên nhân, tác động của ô nhiễm môi trường đến cuộc sống người dân và đề ra các giải pháp khắc phục.

Thôn thành lập tổ tự quản bảo vệ môi trường gồm 10người, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực. Hầu hết các gia đình duy trì quét dọn vệ sinh tại gia đình vào chiều thứ 6 hoặc sáng thứ 7 hằng tuần. Mỗi tuần 1 lần, các đoàn thể ra quân vệ sinh đoạn đường tự quản.

Từ ngày10-15 hằng tháng, thôn phát động nhân dân ra quân tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh... Để thích ứng với biến đổi khí hậu, MTTQ xã đã tham mưu chỉ đạo thôn An Nghiệp tập trung gieo cấy lúa nếp thơm, tận dụng rơm sau thu hoạch làm chổi cung cấp ra thị trường, vừa tăng thêm thu nhập cho người dân, vừa hạn chế đốt rơm rạ gây ô nhiễm.

"Chúng tôi đang nhân rộng mô hình này ra các thôn còn lại trong xã và nhận được sự đồng tình cao của nhân dân", ông Vũ Văn Huyên, Chủ tịch MTTQ xã Tứ Cường cho biết.

Tích cực nhân rộng

Nhiều khu dân cư trong tỉnh tích cực trồng hoa hai bên đường để môi trường làng quê xanh, sạch, đẹp

Nhiều khu dân cư trong tỉnh tích cực trồng hoa hai bên đường để môi trường làng quê xanh, sạch, đẹp

Mô hình "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường" được MTTQ tỉnh làm điểm từ năm 2010. Mỗi năm, MTTQ tỉnh trực tiếp chủ trì nhân rộng từ 20-30 mô hình. Các huyện căn cứ tình hình thực tế, tiếp tục chỉ đạo nhân rộng ra các xã, thị trấn. Đến thời điểm này đã có 706 thôn, khu dân cư trong tỉnh nhân rộng mô hình này.

Gia Lộc là huyện đi đầu nhân rộng mô hình trên. Bà Nguyễn Thị Khiêm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết đến năm2015, tất cả các thôn, khu dân cư đã xây dựng được mô hình. Việc duy trì thực hiện mô hình giúp cảnh quan, môi trường ở các làng quê sạch đẹp. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên rõ rệt.

"Người dân rất có ý thức bảo vệ môi trường. Nhiều vấn đề được nhân dân phát hiện, kiến nghị như tình trạng đổ rác trộm ở các xã Nhật Tân, Tân Tiến, xả nước thải gây ô nhiễm kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng... đã được chúng tôi tiếp thu, kiến nghị để khắc phục", bà Khiêm cho biết.

Cùng với Gia Lộc, MTTQ các huyện Thanh Miện, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, Bình Giang... cũng đã và đang nhân rộng mô hình này tới các xã, thị trấn.

Đại diện Ban Phong trào Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết mô hình "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường" không chỉ tác động đến nhận thức mà còn vận động được toàn dân cùng tham gia bảo vệ môi trường.

Cảnh quan tại các thôn, khu dân cư ngày càng phong quang, sạch đẹp. Riêng mô hình "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu" sẽ được MTTQ tỉnh nhân rộng ra 7điểm nữa trong tháng 11 này.

TIẾN MẠNH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/moi-truong/doan-ket-nhan-dan-bao-ve-moi-truong-121295