Đoàn kết, tập hợp thanh niên qua mô hình liên kết phát triển kinh tế
Nhiều mô hình tổ hợp tác (THT) của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) huyện Lâm Hà đã và đang phát huy hiệu quả, tạo được thu nhập ổn định cho bản thân và gia đình, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương đi lên. Qua đây, tạo sự đoàn kết và tập hợp được nhiều thanh niên ưu tú, năng nổ tham gia vào các công tác Đoàn, Hội.
Mô hình đoàn kết tập hợp thanh niên qua tổ hợp tác thanh niên phát triển kinh tế của huyện Lâm Hà có 10 THT với 78 thành viên hoạt động trong các lĩnh vực rau, củ, quả và chăn nuôi. Trong đó, có 4 THT chăn nuôi bò; 3 THT rau, củ, quả; 2 THT mắc ca và 1 THT chăn nuôi tổng hợp.
Chị Trần Thị Hồng Hạnh - Bí thư Huyện Đoàn Lâm Hà cho biết, THT là nơi mà các ĐVTN có cơ hội cùng nhau sinh hoạt trong một môi trường lành mạnh, tích cực; đồng thời là nơi chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, sản xuất và cùng hỗ trợ nhau tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của các bạn ĐVTN... Chính vì vậy mà thời gian này, Huyện Đoàn Lâm Hà tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho các ĐVTN về vay vốn, các nguồn lực hỗ trợ về vốn. Cùng với đó, mở các lớp tập huấn nâng cao các kỹ thuật, cách thức để xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế. Thông qua đó, kết nối thêm nhiều thanh niên có cùng mục đích sản xuất, cùng nhau phát triển.
Đơn cử, Mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi bò của những ĐVTN người Cil ở tổ dân phố B’Nông Rết, thị trấn Đinh Văn. Được sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình của các cấp bộ Đoàn mà những thanh niên nông thôn đã mạnh dạn vay vốn, mua bò và thành lập THT để cùng nhau liên kết phát triển chăn nuôi, cải thiện đời sống. Đến nay, THT có 10 thành viên tham gia với đàn bò gần 30 con. Mỗi lứa bò sau khi sinh sản sẽ nuôi đến 7 tháng rồi được bán cho thương lái với giá khoảng 30 triệu đồng/1 con bê đực, 15-20 triệu đồng/1 con bê cái.
Bên cạnh đó, THT sản xuất mắc ca Tân Thanh (xã Tân Thanh) được thành lập vào năm 2019 cũng là một trong những THT tiêu biểu đang phát huy hiệu quả trong việc giúp ĐVTN nâng cao thu nhập. Ban đầu, THT chỉ có 10 thành viên, chủ yếu trồng mắc ca xen canh cà phê trên diện tích 15 ha; đến nay đã phát triển lên 32 thành viên hoạt động sôi nổi với diện tích được mở rộng trên 25 ha. Trung bình mỗi cây mắc ca cho thu hoạch từ 8 - 10 kg quả/vụ. Thương lái thu mua tại vườn từ 120 - 130 ngàn đồng/kg, mắc ca sấy khô có giá từ 280 - 300 ngàn đồng/kg. Bình quân thu nhập gần 200 triệu đồng/1 ha mắc ca. Theo anh Ngô Văn An, Bí thư Đoàn xã Tân Thanh, Tổ trưởng THT sản xuất mắc ca Tân Thanh, THT được thành lập với mục tiêu tập hợp, đoàn kết thanh niên cùng nhau chuyển đổi thuần cà phê sang trồng cây mắc ca. Do nhận thấy cây mắc ca là loại cây có nhiều thế mạnh, rất phù hợp với điều kiện tự nhiên trên địa bàn và cho giá trị kinh tế cao cùng nguồn thu nhập ổn định nên dự kiến đến cuối năm 2022, anh An sẽ thành lập hợp tác xã với quy mô lớn và chuyên nghiệp hơn.
Anh Lê Hồng Công, Tổ trưởng THT Thanh niên Nam Ban phát triển kinh tế tổng hợp cho biết, năm 2019, THT được thành lập với 5 thành viên với mục đích liên kết, phát triển kinh tế, tạo sân chơi theo sở thích của thanh niên, cùng giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về nông nghiệp. THT chuyên phát triển về các lĩnh vực trồng hoa cúc, chăn nuôi bò, trồng các loại cây ngắn ngày. Trong quá trình sản xuất, các thành viên cùng hỗ trợ nhau theo một quy trình tuần hoàn. Cụ thể, thành viên chăn nuôi bò sẽ tận dụng các phế phẩm nông nghiệp (như cây rau hư, cây ngô...) từ bên trồng rau, hoa. Còn các thành viên trồng rau, hoa sẽ được cung cấp phân bên lĩnh vực chăn nuôi bò.
Anh Nguyễn Văn Sáng, Bí thư Đoàn xã Nam Ban chia sẻ, bản thân anh cũng là một thành viên của THT Thanh niên Nam Ban phát triển kinh tế tổng hợp, từ khi vào THT, được lao động cùng với những thanh niên cùng chí hướng, chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc hoa cúc, chăn nuôi bò mà gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định hơn. Anh hy vọng, có thể nhân rộng mô hình này hơn đến mọi người dân trên địa bàn, để cùng nhau phát triển kinh tế bền vững, cải thiện đời sống.
Theo chị Trần Thị Hồng Hạnh, Bí thư Huyện Đoàn Lâm Hà, việc thành lập, xây dựng các THT, mô hình phát triển kinh tế trong đoàn viên, hội viên, thanh niên là bước đi đúng đắn. Điều này vừa giải quyết được việc làm tại chỗ vừa tương trợ cho các thanh niên trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cũng như giải quyết được các vấn đề trong công tác Đoàn, Đội. Thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện Đoàn Lâm Hà sẽ có những phương án để nhân rộng thêm những mô hình THT đã có được những thành công bước đầu đến toàn thể người dân, cùng nhau liên kết phát triển kinh tế tập thể; qua đó, góp phần thu hút, tập hợp đông đảo thanh niên trong huyện tham gia hiệu quả các hoạt động Đoàn tại địa phương.