Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, nòng cốt

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện có tính chất tổng kết lại cả quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng cho đến thời điểm lịch sử đó và cũng chính là tổng kết cho cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác.

Trong tổng kết ấy, trước hết là tổng kết về Đảng, Bác khẳng định: Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta” và căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng chia sẻ: Sở dĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh điều đó, vì trong quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhờ đoàn kết, thống nhất trong Đảng tốt mà phát huy được sức mạnh to lớn của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Như vậy, về cấp độ đoàn kết, trước hết phải đoàn kết thống nhất trong Đảng từ quan điểm, lý luận, đường lối, mục tiêu đấu tranh cách mạng... Từ đó mới đoàn kết, tập hợp rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân và cả dân tộc. Từ đoàn kết dân tộc mới mở rộng ra đoàn kết quốc tế với bạn bè, đồng chí, các lực lượng cách mạng trên thế giới.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Ảnh tư liệu: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Ảnh tư liệu: TTXVN

Vấn đề đoàn kết mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết là vấn đề chiến lược của cách mạng. Bởi theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc thì vấn đề này đúng cả trong thời kỳ đấu tranh để giành chính quyền và đúng trong cả thời kỳ Đảng cầm quyền, lãnh đạo và xây dựng, phát triển đất nước. Nhờ đoàn kết mà tạo ra sức mạnh, tạo ra lực lượng hùng hậu của cách mạng nước ta để đi đến thắng lợi. Nếu có Đảng lãnh đạo nhưng không có sức mạnh đoàn kết dân tộc thì không thể thắng lợi được. Nếu trong Đảng không thống nhất, không đoàn kết thì cũng không thể đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết thành chân lý: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Vậy làm thế nào để đoàn kết? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ trong Di chúc: Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.

Phải khẳng định rằng: 55 năm qua, Đảng ta luôn luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, thực hiện đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ đoàn kết, thống nhất trong Đảng mà chúng ta có đường lối cách mạng đúng đắn, từ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; xây dựng và phát triển đất nước sau chiến tranh, tiến hành công cuộc đổi mới và phát triển đất nước cho đến giai đoạn hiện nay.

Trong bài viết "Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: Với đường lối chính trị đúng đắn, trung thành vô hạn với lợi ích của dân tộc và giai cấp, gắn bó máu thịt với nhân dân và tinh thần đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng, Đảng đã quy tụ, đoàn kết các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, các phong trào đấu tranh cách mạng, xây dựng lực lượng cách mạng to lớn và rộng khắp, đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược bằng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Tổ quốc thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh muôn vàn khó khăn, thách thức, Đảng tiếp tục khẳng định trình độ trí tuệ, bản lĩnh, tính tiên phong, với bản chất khoa học và cách mạng; đã khởi xướng, không ngừng hoàn thiện, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thành công công cuộc đổi mới, đưa Việt Nam từ nước kém phát triển trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, người dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, uy tín, vị thế trên trường quốc tế ngày càng nâng cao.

Để giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong giai đoạn hiện nay, trong bài viết trên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, phải: Đặc biệt coi trọng và không ngừng tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc, mối liên hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân... Từ Trung ương đến chi bộ, mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như "giữ gìn con ngươi của mắt mình”; Đảng phải huy động cho được toàn bộ trí tuệ, sức mạnh của toàn dân tộc, sức mạnh thời đại trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Dưới góc độ là một nhà nghiên cứu, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng: Đảng phải đoàn kết, thống nhất trên cơ sở nhận thức về tư tưởng, lý luận của Đảng, tức là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, là Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là điều căn bản nhất hay nói cách khác, đó là tư tưởng chính trị để bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đảng không ngừng bổ sung, hoàn thiện đường lối đổi mới và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, định rõ phương hướng, mục tiêu để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và xu thế phát triển của thời đại hiện nay.

Đảng phải không ngừng rèn giũa về mặt đạo đức để đẩy lùi những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... làm sao cho trong Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh. Muốn Đảng trong sạch, vững mạnh thì Đảng phải phát huy được những mặt tốt, mặt tích cực, đồng thời phải đẩy lùi những mặt tiêu cực, yếu kém, suy thoái. Đảng trong sạch, vững mạnh thì Đảng mới đoàn kết, thống nhất được và ngược lại.

Gắn liền với những biện pháp trên thì Đảng phải không ngừng hoàn thiện các tổ chức của Đảng gắn với hoàn thiện hệ thống chính trị, tạo ra cơ sở xã hội, nền móng xã hội để củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và trong xã hội, đoàn kết dân tộc, từ đó phát triển đoàn kết quốc tế.

Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, củng cố vững chắc hơn đoàn kết dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII của Đảng. Chúng ta phải luôn luôn nắm vững quan điểm: Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, nòng cốt. Từ đó mà củng cố đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế gắn với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam muốn làm bạn, làm đối tác tin cậy với cộng đồng thế giới.

Điều quan trọng nhất hiện nay, theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc là Đảng phải chú ý rèn giũa đạo đức cách mạng trong Đảng, đặc biệt là thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Nếu làm được việc này, gắn với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì nhất định những yếu tố tích cực, tốt đẹp ở trong Đảng, sự trong sáng, mẫu mực của người cộng sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người cộng sản được đề cao lên. Đó là tấm gương sáng để không những đoàn kết trong toàn bộ hệ thống tổ chức đảng mà còn đoàn kết trong hệ thống chính trị và cả dân tộc. Từ đó, bạn bè quốc tế nhìn vào là cơ sở để tranh thủ hội nhập quốc tế và mở rộng quan hệ đối ngoại vững chắc.

Để giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong từng tổ chức đảng, từng cơ quan, đơn vị, theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc thì vai trò của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị là cực kỳ quan trọng. Người đứng đầu không chỉ để làm gương, thực thi lãnh đạo, thực hành phương pháp lãnh đạo hay cách thức quản lý, mà quan trọng hơn là để củng cố sự đoàn kết. Nếu người đứng đầu có những sai phạm, có những biểu hiện suy thoái, hoạt động công việc không tuân thủ những giá trị đạo đức, uy tín cần thiết thì không thể đoàn kết được.

Trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu rất quan trọng. Người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu chính quyền ở tất cả các cấp phải là tấm gương tiêu biểu về sự hòa đồng, tin cậy, chân thành với đồng chí, đồng nghiệp; biết lắng nghe, phát huy được trí tuệ tập thể; từ đó khắc phục các căn bệnh như: Độc đoán, chuyên quyền, không thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng. Nếu người đứng đầu thực hiện tốt thì chắc chắn tổ chức đảng ở đó sẽ khâm phục, khẩu phục, sẽ đi đến được đoàn kết, thống nhất và sự lãnh đạo, quản lý sẽ ngày càng thuận lợi hơn, có hiệu lực, hiệu quả hơn.

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, công cuộc đổi mới đất nước nhất định giành thắng lợi to lớn, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no, đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

LÊ THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/doan-ket-trong-dang-la-hat-nhan-nong-cot-791652