Đoàn kết trong gian khó

Sau những tranh cãi kéo dài, cuối cùng, các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã vượt qua mọi khác biệt, tìm được tiếng nói chung về quỹ phục hồi kinh tế EU trị giá 750 tỷ euro.

Theo Reuters, ngày 21-7, phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, các nhà lãnh đạo EU đã đạt đồng thuận về quỹ phục hồi kinh tế hậu Covid-19 tại Hội nghị thượng đỉnh EU. Ông Charles Michel cho biết: “Sự đồng thuận phát đi tín hiệu cụ thể về sức mạnh hành động của châu Âu”. Mặt khác, EU cũng đã thống nhất với kế hoạch ngân sách giai đoạn 2021-2027 là gần 1.100 tỷ euro.

 Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (bên phải) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thể hiện sự vui mừng tại buổi họp báo sau khi EU thống nhất về quỹ phục hồi kinh tế. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (bên phải) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thể hiện sự vui mừng tại buổi họp báo sau khi EU thống nhất về quỹ phục hồi kinh tế. Ảnh: Reuters.

Việc đạt được sự thống nhất về quỹ phục hồi kinh tế giữa các nước thành viên EU không phải điều dễ dàng do bất đồng của các bên. Bày tỏ vui mừng trước kết quả này, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh: “Một tình huống đặc biệt đòi hỏi những nỗ lực phi thường”. Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định: “Có những khoảng khắc cực kỳ căng thẳng. Tuy nhiên, cuối cùng, mọi thứ đã tiến triển theo hướng tích cực”. Theo ông Emmanuel Macron, việc nhất trí về quỹ phục hồi kinh tế giúp khối có thể chia sẻ các nguồn lực tài chính nhằm chống lại các thách thức của Covid-19.

Theo kế hoạch ban đầu, Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra từ ngày 17 đến 18-7 tại Brussels. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo 27 nước thành viên EU kể từ khi việc đi lại bị hạn chế nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan. Tuy nhiên, hội nghị đã phải kéo dài thêm hai ngày so với dự kiến do các nhà lãnh đạo EU gặp bế tắc trong việc tìm tiếng nói chung về quỹ phục hồi kinh tế. EU đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức như đại dịch Covid-19, quan hệ với Anh hậu Brexit hay như vấn đề người di cư... Tuy nhiên, phục hồi nền kinh tế được xem là mục tiêu hàng đầu của EU trong bối cảnh khối này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ euro bao gồm các khoản hỗ trợ và cho vay dành cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 được xem là tia hy vọng giúp vực dậy các nền kinh tế EU sau dịch bệnh. Các nhà lãnh đạo trong khối đã tranh cãi gay gắt về đề xuất do Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đưa ra hồi đầu tháng 7 này liên quan đến cách phân bổ quỹ, trong đó 2/3 số tiền được dùng dưới dạng hỗ trợ và 1/3 dưới dạng các khoản vay. Đức và Pháp-hai quốc gia đầu tàu EU kiên quyết không muốn phần hỗ trợ ít hơn 400 tỷ euro. Trong khi đó, nhóm các nước chủ trương tiết kiệm chi tiêu, như: Hà Lan, Áo, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan lại muốn phần cho vay nhiều hơn phần hỗ trợ. Trước tình hình này, hãng tin AFP cho hay, để tránh đàm phán đổ vỡ, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã đưa ra đề xuất mới liên quan đến quỹ phục hồi kinh tế. Theo đó, ông Charles Michel đề xuất hạ ngân sách cho khoản hỗ trợ từ 500 tỷ euro ban đầu xuống còn 400 tỷ euro và nâng mức cho vay trong kế hoạch từ 250 tỷ euro lên 350 tỷ euro. Vậy nhưng trợ lý cấp cao của Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết, Hà Lan, Áo, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan chỉ sẵn sàng chấp nhận khoản hỗ trợ tối đa là 350 tỷ euro, thậm chí là có điều kiện đi kèm.

Sau nhiều giờ đàm phán, lãnh đạo 27 nước thành viên EU cũng đã nhất trí về quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ euro. Theo đó, mức hỗ trợ được giảm từ 500 tỷ euro theo đề xuất ban đầu xuống còn 390 tỷ euro trong tổng số tiền 750 tỷ euro. Reuters dẫn nguồn tin từ một số nhà ngoại giao cho biết, trong việc phân bổ quỹ phục hồi kinh tế, 390 tỷ euro dành cho việc hỗ trợ có thể được xem là sự thỏa hiệp giữa mức 350 tỷ euro như yêu cầu của nhóm 5 nước Hà Lan, Áo, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan và mức 400 tỷ euro mà Pháp và Đức đề nghị.

Giới quan sát nhận định, việc đạt được tiếng nói chung về quỹ phục hồi kinh tế cho thấy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của các nước thành viên EU trong khủng hoảng. Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã kêu gọi các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên nỗ lực đạt đồng thuận vì người dân và tương lai châu Âu.

DƯƠNG LÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/doan-ket-trong-gian-kho-627588