Đoàn kết và sự đồng thuận trong nhân dân
Ngày hội đại đoàn kết càng ý nghĩa khi rất nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức như: biểu diễn văn nghệ, các hội thi... với sự tham gia, cổ vũ nhiệt tình của người dân. Tình làng nghĩa xóm, những mối quan hệ láng giềng được thắt chặt hơn. Tinh thần sẻ chia, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng dân cư được nhân rộng. Ở nhiều nơi, ngày hội đại đoàn kết còn dành thời gian thăm hỏi những gia đình chính sách, người có uy tín trong cộng đồng, trao quà, học bổng hay tạo diễn đàn để người dân trao đổi kinh nghiệm làm ăn, làm giàu...
Cũng thông qua ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư, những câu chuyện lịch sử, truyền thống của dân tộc, của vùng đất được ôn lại, truyền thêm tình yêu nước, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Từ đây, bài học từ sức dân, lòng dân mà Bác Hồ đã dạy càng trở nên có ý nghĩa, đặc biệt là trong bối cảnh các thế lực thù địch trong và ngoài nước luôn tìm mọi cách để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Kết quả từ sự phát triển kinh tế - xã hội với sự đóng góp to lớn từ sức dân, lòng dân đã minh chứng cho một sự thật rằng, không ai, không một thế lực nào có thể phá vỡ thế trận lòng dân nếu có sự đồng thuận, thống nhất cao.
Về dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con ấp Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) mới đây, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ở đâu tạo được sự đồng thuận cao, nơi đó sẽ có sự phát triển tốt, đặc biệt là chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao.
Thực tiễn tại Đồng Nai đã chứng minh rằng, chính sự đồng thuận đã giúp tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nhiều năm qua. Đồng Nai cũng là địa phương đã huy động được các nguồn lực mạnh mẽ từ nhân dân để trở thành một trong hai tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.