Đoàn kết - vững bước trên con đường phát triển
Đoàn kết là sứ mệnh của Mặt trận. Trong mái nhà chung đoàn kết, những ngày sôi nổi Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX (từ 18 đến 20/9) khiến cho ngôi nhà ấy vốn ấm áp càng ấm áp hơn, vốn hòa hợp sẽ hòa hợp hơn, vốn đã rộng mở sẽ càng rộng mở. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết là sứ mệnh của Mặt trận trong gần 90 năm hình thành và phát triển. Nhưng để phát huy được sức mạnh ấy, trước hết, Mặt trận phải là dân, ở trong dân và làm cho dân được tin, được thấu hiểu.
Lời kêu gọi từ Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX một lần nữa truyền đi thông điệp đoàn kết để củng cố và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, của đồng bào trong nước, của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc sẽ trở thành sức mạnh đưa đất nước vững bước trên con đường phát triển.
Đoàn kết là sứ mệnh của Mặt trận. Trong mái nhà chung đoàn kết, những ngày sôi nổi Đại hội càng khiến cho ngôi nhà ấy vốn ấm áp sẽ ấm áp hơn, vốn hòa hợp sẽ hòa hợp hơn, vốn đã rộng mở sẽ càng rộng mở. Hiểu thế nên người Mặt trận ở đâu cũng nỗ lực, chăm chút cho ngày Đại hội của mình.
Còn nhớ, trước ngày diễn ra đại hội, chúng tôi theo chân ông Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam - đi kiểm tra những khâu chuẩn bị cuối cùng. Giữa bộn bề công việc, ông Hầu A Lềnh chia sẻ rằng: Bên cạnh việc xây dựng hệ thống văn kiện, tuyên truyền thì công tác hậu cần cho Đại hội là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, Tiểu ban Hậu cần đã được thành lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký để đảm bảo công tác chuẩn bị từ việc gửi giấy mời, xác nhận đại biểu, bố trí nơi ăn nghỉ, phương án đón tiếp cũng như chuẩn bị các điều kiện liên quan cho đại biểu khi về dự Đại hội.
Việc hỗ trợ cho đại biểu khi về dự Đại hội được thực hiện hết sức chặt chẽ theo như lời Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh là “cá thể hóa đến từng cá nhân” với tinh thần chu đáo nhất đến mức có thể.
999 đại biểu chính thức và hơn 300 đại biểu khách mời, cho nên đại biểu của Mặt trận rất đa dạng, nhiều thành phần khác nhau, trong đó có người cao tuổi, người dân tộc và các tôn giáo khác nhau. Chính vì vậy Tiểu ban Hậu cần có riêng một bộ phận để nắm bắt và phục vụ theo nhu cầu của các đại biểu, tập trung vào việc ăn, nghỉ cũng như thực hiện các nghi lễ tôn giáo với những khoảng thời gian phù hợp. Đặc biệt trong công tác phục vụ ăn uống đối với các tôn giáo có ăn kiêng, ăn chay, Tiểu ban Hậu cần đều có danh sách cụ thể đến từng người và báo đến các khách sạn, những nơi tổ chức tiệc chiêu đãi để tạo cho các đại biểu đi dự Đại hội cảm giác thoải mái như đang ở nhà mình.
Khách sạn La Thành và Nhà khách 37 Hùng Vương những ngày Đại hội luôn sáng đèn, ở đó, đội ngũ cán bộ cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có nhiều đêm không ngủ để chu toàn cho công tác hậu cần, chào đón, chăm sóc các vị khách đặc biệt từ muôn nơi trở về Hà Nội. Rất nhiều tình cảm, cảm xúc đã được sẻ chia, những cái ôm thật chặt, tay trong tay ấm nồng là những món quà không dễ gì có được mà người ở muôn nơi đã dành dụm cho nhau khi trở về dưới mái nhà Mặt trận.
Trong không khí ấm áp thân tình, ông Lý Ngọc Minh - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long - chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình. Gần 40 năm, kể từ sự chân tình và lời mời của Chủ tịch MTTQ Việt Nam Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (khóa II), tiếp đến là lời mời của Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Phạm Văn Kiết cùng những thuyết phục tình cảm, chân thành của nhiều cán bộ, lãnh đạo của Mặt trận, ông Lý Ngọc Minh đã chính thức tham gia UBTƯ MTTQ Việt Nam (bổ sung khóa III, năm 1984) và năm 1988, ông được tham gia Đoàn Chủ tịch khóa IV, liên tục qua các khóa từ đó đến nay, và mới nhất là Đoàn Chủ tịch khóa IX. 40 năm là một cuộc đời và đối với những người như ông Lý Ngọc Minh, hành trình đó đã giúp ông trở thành người gắn bó tâm huyết, trách nhiệm với Mặt trận. Nhưng dù ở cương vị nào ông Lý Ngọc Minh cũng cho rằng: Nếu xuất phát từ trách nhiệm, lợi ích chung của cộng đồng, xã hội để hiến kế, sáng tạo hay đề xuất đúng đắn, chính đáng với Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam thì chắc chắn sẽ được ghi nhận, đồng tình, ủng hộ bằng luật pháp, chính sách, cơ chế phù hợp với quy luật và thực tiễn cuộc sống, của sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Hôm ấy, chúng tôi đã tìm gặp anh Lý Xuân Lẻng, người dân tộc Cờ Lao, là cá nhân tiêu biểu xã Bạch Đích, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang và cũng là đại biểu trẻ nhất Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX. Chàng trai trẻ có gương mặt khôi ngô bày tỏ niềm tự hào khi trở thành đại biểu trẻ tuổi nhất. Nhưng ít ai biết rằng, ở quê nhà, sau khi hoàn thành 2 năm nghĩa vụ quân sự, Lẻng đã bắt đầu từ những việc nhỏ như chăn nuôi, trồng trọt với mô hình gia trại và cùng với cán bộ Mặt trận xã đã tới các gia đình vận động, tuyên truyền bà con xóa đói, giảm nghèo. Thông qua công tác vận động người dân thay đổi những phương pháp sản xuất cổ hủ, lạc hậu, Lẻng đã và đang thắp lên ngọn lửa cần cù sáng tạo để làm giàu thành công trên chính mảnh đất của núi đá tai mèo Hà Giang.
Trong dòng người trở về Hà Nội hôm ấy, có miền xuôi, miền ngược và ở nước ngoài… nhưng có lẽ không dễ gì gặp được chính là người từ Trường Sa. Sau những phút hồi hộp khi lần đầu đi dự Đại hội MTTQ Việt Nam, ông Lương Quốc Anh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã chia sẻ với chúng tôi tâm tư, tình cảm của người Mặt trận ở nơi đầu sóng ngọn gió.
Huyện đảo Trường Sa là đơn vị hành chính xa đất liền và rất rộng nên công tác và nhiệm vụ của người Mặt trận có rất nhiều khó khăn đặc thù. Nhưng chúng tôi hiểu, ở quần đảo Trường Sa, cán bộ Mặt trận như ông Lương Quốc Anh cũng là những người chiến sĩ. Họ chính là những “cột mốc Mặt trận” cắm ở nơi này, mang tinh thần hòa hợp dân tộc, tinh thần đại đoàn kết hòa chung khát vọng hòa bình ở Biển Đông. Chỉ riêng điều đó thôi, cũng đã là kỳ diệu.
Để nói về Trường Sa, một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, rất nhiều kiều bào đã dành sự quan tâm đặc biệt, nhất là việc nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, quân và dân trên huyện đảo này từ đó góp thêm sức mạnh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Chúng tôi gặp ông Trần Hải Linh, kiều bào Hàn Quốc, hiện là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc nhiều lần, nhưng lần nào cũng vậy, tấm lòng của ông đều mang nặng tình cảm với Trường Sa, với vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đó cũng là lý do để Trần Hải Linh đảm nhiệm thêm chức Chủ nhiệm Quỹ “Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam” vì đó là cơ hội để ông cũng như nhiều người Việt Nam yêu nước xa quê hương hiện thực hóa tình yêu của mình bằng những lời hứa với Trường Sa. “Năm 2016, chúng tôi đã trao 3 máy chuyển đổi độ ẩm không khí thành nước ngọt ở những nơi có độ ẩm cao trên 70% như đảo chìm Colin, Len Đao và nhà giàn DK1/17, 3 máy phát điện quang năng có hiệu suất cao, các giàn trồng rau thử nghiệm trên các mô hình khác nhau, và các giống rau Hàn Quốc có đặc tính ưu việt và các món quà khác nữa. Các thiết bị, các giống rau đều đang hoạt động và phát triển khá tốt, góp phần đáp ứng thêm nhu cầu cần thiết cho đời sống sinh hoạt, nâng cao sức kháng lực cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo Tổ quốc” - ông Trần Hải Linh chia sẻ.
Với sự năng động, sức sáng tạo và tinh thần nhiệt huyết, những kiều bào là Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam như ông Trần Hải Linh đang cho chúng tôi nhìn thấy một tấm lòng yêu nước của người Việt xa quê hương khi ông bày tỏ mong muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước thông qua phong trào khởi nghiệp, đầu tư và lúc nào cũng sẵn sàng “Tổ quốc gọi, chúng tôi sẽ trả lời”.
Tổ quốc là hai từ thiêng liêng nhất trong trái tim mỗi con người. Nói như Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh - người công giáo Việt Nam và cũng là người châu Á đầu tiên được Giáo hoàng phong tặng tước phẩm Hiệp sĩ - chia sẻ: Khi đến dự Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX, “dù chúng ta ở đâu, dù chúng ta theo một hay nhiều tôn giáo, niềm tin của chúng ta đặt để ở một đấng linh thiêng nào đi chăng nữa thì chúng ta chỉ có một nguồn cội, đó là Mẹ Tổ quốc Việt Nam, nơi cho chúng ta làm người và làm tín đồ tôn giáo. Vì vậy trách nhiệm của tín đồ tôn giáo là tỏa sáng đức tin bằng những hành động thiết thực để phục vụ dân tộc và bảo vệ dân tộc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái, Phật Thích ca dạy Đạo đức là từ bi, Khổng tử dạy Đạo đức là nhân nghĩa”. Và suy cho cùng tôn giáo nào cũng hướng dẫn tín hữu dựa theo để có một tâm trí bình an sáng suốt, có một cộng đồng chia sẻ và gắn bó, để nương tựa và giúp đỡ nhau trong cuộc sống hiện hữu. Vậy làm thế nào để tôn giáo nhân lên những giá trị văn hóa từ bi, bác ái để quần chúng tín đồ neo theo, không để các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo mê tín dị đoan, trục lợi gây bức xúc trong xã hội, chia rẽ nhân dân, phá hoại khối đoàn kết dân tộc? Đó chính là một chủ đề được các đại biểu Mặt trận là tôn giáo chia sẻ trong những ngày Đại hội.
Điều làm chúng tôi bất ngờ và cảm động là khi liên hệ để gặp Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vị cao tăng đáng kính và cũng là đại biểu cao tuổi nhất của Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX, Hòa thượng đã đồng ý gửi thông điệp của mình đến Đại hội thông qua báo Đại Đoàn Kết. Năm nay, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ngoài 100 tuổi, trong thông điệp gửi đến Đại hội, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đặt trọn niềm tin vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc của MTTQ Việt Nam và bày tỏ mong muốn Đại hội IX tiếp tục phát huy tinh thần kết nối cộng đồng, tập hợp các tầng lớp nhân dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, nâng cao thực hiện quyền dân chủ trong xã hội, tăng cường chức năng nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết để xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng.
Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết là sứ mệnh của Mặt trận trong gần 90 năm hình thành và phát triển. Nhưng để phát huy được sức mạnh ấy, trước hết, Mặt trận phải là dân, ở trong dân và làm cho dân được tin, được thấu hiểu.
Bên hành lang Đại hội, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt đặc biệt quan tâm tới bài học phát huy dân chủ, nhất là dân chủ trong Đảng, trong hệ thống chính trị, trong dân vì “Chỉ có dân chủ mới tạo được đồng thuận, chỉ có đồng thuận mới có được hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân”. Chính vì nhiệm vụ ấy, trong những ngày diễn ra Đại hội, tại những buổi thảo luận tổ, chúng tôi nhận thấy một nỗi trăn trở trong không ít tâm tư đại biểu, nhất là những cán bộ Mặt trận trực tiếp ở cơ sở, là làm thế nào để thực hiện được đúng chức năng nhiệm vụ của mình. Để tập hợp được sức mạnh nhân dân, để vận động được nhân dân tham gia các phong trào, các cuộc vận động, để nhân dân tham gia giám sát, phản biện, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền thì trước hết phải tạo được niềm tin với nhân dân. Tinh thần này cũng đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong bài phát biểu thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Lễ khai mạc Đại hội IX MTTQ Việt Nam, nhấn mạnh: Mặt trận ngày càng hướng mạnh về cơ sở, theo phương châm gần dân, sát dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân để kịp thời phản ánh với Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, theo Thủ tướng, Mặt trận phải là người phản biện sắc sảo, chân tình giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn. Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giám sát, phản biện xã hội… chính là để MTTQ tiếp tục xứng đáng với vai trò là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.
Sau 3 ngày làm việc tích cực, khẩn trương (từ 18 đến 20/9) với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 đã thành công tốt đẹp.
Đại hội đã sôi nổi thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị Đại hội; thông qua Điều lệ MTTQ Việt Nam sửa đổi. Các văn kiện Đại hội đã kết tinh được trí tuệ, nhiệt huyết, trách nhiệm của cán bộ Mặt trận các cấp, các tổ chức thành viên và các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội đã hiệp thương dân chủ cử ra Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực nhiệm kỳ 2019-2024, đảm bảo tính tiêu biểu, thiết thực và tính đại diện của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thực sự là hình ảnh tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn mới.
Từ Hà Nội, trái tim của cả nước, Lời kêu gọi của Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX lại được gửi tới đồng bào cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Trong Lời kêu gọi, ông Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX - đã khẳng định: “Trước yêu cầu của đất nước trong tình hình mới, vì tương lai tươi sáng của dân tộc, Đại hội kêu gọi toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy phát huy cao độ lòng yêu nước, ý chí quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước hùng cường và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Lời kêu gọi từ Đại hội IX MTTQ Việt Nam một lần nữa truyền đi thông điệp đoàn kết, để củng cố và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, của đồng bào trong nước, của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc sẽ đưa đất nước vững bước trên con đường phát triển.
Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 đã thống nhất số lượng Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024 gồm 385 vị và hiệp thương cử tại Đại hội là 374 vị. Tại Hội nghị lần thứ nhất UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX, đã hiệp thương cử 62 vị tham gia Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; hiệp thương cử các chức danh trong Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024 và chức danh Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam Khóa IX.
Ông Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII - được hiệp thương tái cử giữ chức vụ Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX; ông Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII - được hiệp thương tái cử giữ chức vụ Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX. 4 chức danh Phó Chủ tịch chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX gồm: Bà Trương Thị Ngọc Ánh; ông Nguyễn Hữu Dũng; ông Ngô Sách Thực; ông Phùng Khánh Tài. 6 Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX gồm: Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM; bà Nguyễn Thị Doan, Nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Linh mục Trần Xuân Mạnh, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam; bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng.
Dạ Yến
Ảnh: Quang Vinh