Đoàn kết xây dựng nếp sống văn minh
Đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, hiến đất xây dựng Nông thôn mới, xây dựng cơ quan, đơn vị, làng xóm văn hóa, nhân rộng mô hình hay... là những cách làm đổi mới, hiệu quả từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần xóa bỏ hủ tục, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc, văn minh.
Thực hiện chủ trương lát đá vỉa hè theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân tổ 4, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) đoàn kết, thống nhất ý chí, quyết tâm, đồng lòng góp công, góp của để mang lại diện mạo mới cho khu phố văn minh. Năm 2023, trên 98% hộ dân trong tổ đóng góp kinh phí trên 1,1 tỷ đồng lát đá vỉa hè. Bên cạnh đó, người dân tổ 4 cùng các nhà hảo tâm đóng góp tiền, ngày công sửa chữa các hạng mục và mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa tổ với số tiền trên 123 triệu đồng; mua chậu, hoa, cây cảnh trang trí trên các tuyến phố trị giá 120 triệu đồng; nâng cấp mặt đường, cải tạo cống rãnh, nền đường, đổ áp phan, xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng và trang trí đường vào cụm dân cư số 2 trên 70 triệu đồng; 100% hộ ký cam kết thực hiện tuyến phố văn minh. Tổ 4 trở thành đơn vị dẫn đầu các phong trào thi đua của thị trấn Việt Quang. Năm 2024, nhân dân tổ 4 vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tại thôn Tả Lủng B, xã Tả Lủng (Mèo Vạc) có một cây “Sa mộc” lớn của bản làng, là “chất keo” xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong thôn, đó là ông Vừ Mí Chả, Bí thư Chi bộ thôn Tả Lủng B. Năm 2023, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, ông Chả tích cực tuyên truyền, vận động 77 hộ trong thôn đóng góp ngày công, tiền mở rộng tuyến đường nội thôn dài 650 m, xóa nhà tạm và xây các công trình vệ sinh, nhà tắm cho 3 hộ, vận động 3 hộ cải tạo vườn tạp, 10 hộ phát triển chăn nuôi hàng hóa với thu nhập ổn định, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, đám tang không tổ chức quá 48 tiếng, không giết mổ nhiều gia súc, thôn không có tảo hôn, không có trẻ em bỏ học giữa chừng, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5%, xuất khẩu lao động và đi làm việc ngoài tỉnh vượt kế hoạch, tỷ lệ huy động trẻ từ 6 - 14 tuổi đến trường đạt 99%, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 73,21%, thôn đạt chuẩn về an ninh trật tự. Bản thân gia đình ông Chả hỗ trợ lợn giống, phân bón cho 5 gia đình trong thôn phát triển kinh tế, hiến 198 m2 đất xây nhà văn hóa.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gồm 5 nội dung: Đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường sạch - đẹp - an toàn; xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh. Cụ thể hóa 5 nội dung vào các phong trào thi đua, nhiều địa phương, đơn vị đã có cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn gắn với nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước khác và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân với nhiều kết quả nổi bật. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 6.526 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được chăm lo, hỗ trợ; 100% thôn, tổ dân phố ban hành quy ước, hương ước thực hiện nếp sống văn minh; các tổ hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết mâu thuẫn, bất hòa ngay tại cộng đồng dân cư. Các giá trị di sản văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy, hủ tục bị xóa bỏ; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao (TDTT) phát triển rộng khắp. Tỷ lệ người dân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt trên 28%; tỷ lệ gia đình tập luyện TDTT đạt trên 18%; trên địa bàn tỉnh có có 568 câu lạc bộ, 2.915 đội và 1.580 điểm, nhóm tập TDTT; 100% trường học thực hiện giáo dục thể chất nội khóa và 86% trường có hoạt động giáo dục thể chất ngoại khóa.
Kết quả nổi bật của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là nền tảng quan trọng để toàn tỉnh triển khai hiệu quả Nghị quyết số 39 ngày 5.4.2024 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, giai đoạn 2024 - 2030 với mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang đi đôi với đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa đi đôi với phát triển KT - XH, đảm bảo QP - AN; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đa dạng các loại hình sản phẩm và dịch vụ văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, con người có nhân cách, gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202409/doan-ket-xay-dung-nep-song-van-minh-5b20ab9/