Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm làm việc tại Ninh Bình
Ngày 18/1, Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP) số 2 do đồng chí Đào Văn Thanh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân 2024 tại Ninh Bình. Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh.
Theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì Đoàn kiểm tra số 2, kiểm tra tại thành phố Hà Nội và tỉnh Ninh Bình.
Tại buổi làm việc, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Ninh Bình đã báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch số 1540, ngày 13/12/2023 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP về việc triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024.
Theo đó, Ninh Bình đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các cấp triển khai thực hiện công tác bảo đảm ATTP theo sự chỉ đạo của Trung ương và điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo sự thống nhất từ tỉnh đến cơ sở.
Công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức khoa học về ATTP cho nhân dân được triển khai đa dạng về hình thức và nội dung.
Hoạt động kiểm tra ATTP được triển khai đồng bộ, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế với các sở, ban, ngành liên quan, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Năm 2023, toàn tỉnh đã kiểm tra 175 cơ sở, tỷ lệ cơ sở đạt là 86,9%, cơ sở vi phạm là 13,1%, phạt tiền hơn 191 triệu đồng. Từ ngày 15/12/2023 đến 15/1/2024 trên địa bàn tỉnh không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào.
Công tác quản lý Nhà nước đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm và trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP được triển khai thực hiện nghiêm túc, có sự phối hợp chặt chẽ trong xử lý, giải quyết các vấn đề liên ngành, giảm bớt thủ tục hành chính, thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…
Đoàn kiểm tra làm việc tại Sở Y tế.
Tại buổi làm việc, Đoàn kiểm tra đã tập trung làm rõ các nội dung: về công tác tuyên truyền ở 3 tuyến tỉnh, huyện, xã; công tác giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi dùng làm thực phẩm; việc xử lý các kiến nghị về ATTP; việc bố trí kinh phí đối với công tác bảo đảm ATTP… Các đại biểu cũng tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung còn khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh.
Đoàn kiểm tra ghi nhận, đánh giá cao công tác triển khai các hoạt động bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2023 của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh. Đoàn đề nghị, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh tiếp tục triển khai phối hợp liên ngành trong công tác đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân năm 2024. Trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, tập trung vào những mặt hàng có nguy cơ cao, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đoàn đã đi kiểm tra thực tế tại 2 doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và PTNT trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gồm: Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (thành phố Tam Điệp) và Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại Đại Long (huyện Nho Quan).
Đoàn công tác kiểm tra tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.
Tại các doanh nghiệp, Đoàn đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP, điều kiện ATTP của cơ sở sản xuất, kinh doanh; chất lượng, an toàn của thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ, đăng ký bản công bố/tự công bố sản phẩm; ghi nhãn…
Qua kiểm tra, Đoàn đánh giá các doanh nghiệp đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật về ATTP. Bên cạnh những kết quả đạt được, các doanh nghiệp cần lưu ý khắc phục một số vấn đề: Việc lưu trữ hồ sơ cần khoa học hơn; việc tự công bố sản phẩm cần đảm bảo đúng quy định; việc thu mua nguyên liệu đầu vào phải chú trọng công tác bảo đảm ATTP; quan tâm khắc phục các điều kiện trong sản xuất như: ngăn chặn côn trùng tại khu sản xuất, khu vực thực phẩm cần phải tách riêng, môi trường làm việc của công nhân cần quan tâm bố trí các điều kiện tốt hơn, cần xử lý triệt để nước thải sản xuất, nguyên, vật liệu cần phải rõ nguồn gốc, bảo quản tốt; nhãn hiệu thành phần phải nhất quán với nguyên liệu sản xuất…