Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm làm việc và kiểm tra thực tế tại Bình Dương
Ngày 10/5, Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phấm năm 2023 tại Bình Dương.
Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm Trung ương, do ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) làm Trưởng đoàn, đã kiểm tra và làm việc với tỉnh Bình Dương về an toàn thực phẩm trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023.
Tham gia đoàn kiểm tra còn có bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương - Phó đoàn; ông Vũ Lê Việt - Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương; ông Kiều Trung Dũng - Tổng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); bà Nguyễn Thị Nga, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Nguyễn Xuân Đoài - Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an); bà Lê Thị Thanh Vân - Viện Y tế Công cộng TP. Hồ Chí Minh - thành viên đoàn; và ông Dương Xuân Diêu - Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) - thư ký đoàn.
Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm luôn được chú trọng
Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Việt Tấn – cho biết: Thiện phân công của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm tại Kế hoạch số 332 ngày 10/3/2023 về việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương số 5 kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Báo cáo với Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm Trung ương về việc triển khai công tác kiểm tra về an toàn thực phẩm, đại diện Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh Bình Dương - cho biết: Nhằm nêu cao vai trò của chính quyền, các cơ quan quản lý đối với công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật và kiến thức về an toàn thực phẩm luôn được chú trọng và đạt những kết quả đáng ghi nhận
Theo đó, công tác truyền thông ngày càng đi vào nền nếp, từ việc xây dựng kế hoạch đến tổ chức được triển khai đồng bộ thường xuyên, liên tục các kênh truyền thông ngày càng được mở rộng; cách thức truyền thông ngày càng đa dạng, phong phú và được tăng cường trong các đợt cao điểm như: Tháng hành động, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu…
Bên cạnh công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm được tổ chức ở cả 3 cấp (xã, huyện, tỉnh), ở mỗi cấp đều thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành và liên ngành nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Quá trình thanh tra, kiểm tra được triển khai theo đúng quy trình, đồng bộ ở tất cả các ngành và các tuyến, đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều vụ việc nổi cộm theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện nay, việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khó thực hiện do mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế của các cơ sở nhỏ lẻ eo hẹp, nhận thức của chủ cơ sở còn nhiều hạn chế, do vậy tuyến xã chủ yếu chỉ nhắc nhở là chính đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Cụ thể, năm 2022, toàn tỉnh Bình Dương kiểm tra tổng số 12.625 lượt cơ sở, phát hiện 2.150 cơ sở vi phạm, phạt tiền 620 cơ sở với tổng số tiền hơn 3,2 tỷ đồng, nhắc nhở 1.521 cơ sở.
Đáng chú ý, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, công tác thanh tra, kiểm tra trong được tổ chức ở 3 tuyến (xã, huyện, tỉnh). Cụ thể, tuyến tỉnh: thành lập 16 đoàn kiểm tra, trong đó có 2 đoàn liên ngành; tuyến huyện 42 đoàn; tuyến xã 91 đoàn. Toàn tỉnh thanh tra, kiểm tra 2.184 cơ sở, đạt 1.904 cơ sở, vi phạm 309 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 52 cơ sở với số tiền gần 260 triệu đồng, nhắc nhở 189 cơ sở.
Tăng cường công tác thanh kiểm tra, đảm bảo an toàn thực phẩm
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị trong tỉnh cũng đã báo cáo về những khó khăn, bất cập trong việc triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm ở các đơn vị, địa phương như: Nhân lực cho công tác quản lý an toàn thực phẩm ở các tuyến còn thiếu so với nhu cầu công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; hoạt động kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trên các trang mạng xã hội (Facebook, tiktok, twitter, …) có xu hướng ngày càng phát triển và khó quản lý.
Liên quan đến công tác quản lý lĩnh vực ngành Công Thương, bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương – cho biết: Sở Công Thương không có các đơn vị trực thuộc cấp/huyện xã (hạn chế hơn so với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế), nên nhiệm vụ giám sát an toàn thực phẩm gặp khó khăn, không triển khai đồng bộ, chưa sâu sát được từng phường, xã, thị trấn. Do đó, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Công Thương tại cấp xã đạt hiệu quả chưa cao, chưa được thường xuyên; đặc biệt là việc quản lý các cơ sở sản xuất rượu thủ công, cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ (tạp hóa) còn chưa chặt chẽ..
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian tới, đại diện các sở ngành, đơn vị liên quan kiến nghị, đề xuất: Bộ Y tế, Bộ Nông Nghiệp, Bộ Công Thương... có hướng dẫn, chỉ đạo trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trên môi trường mạng nằm ngoài phạm vi quản lý của tỉnh; sửa đổi, chỉnh sửa các mức xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố vì phần lớn các hộ kinh doanh thức ăn đường phố có điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức của chủ cơ sở còn hạn chế.
Cùng với đó, kiến nghị Bộ Y tế tăng cường công tác đào tạo tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm, tiếp tục xây dựng, ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật cho các sản phẩm, nhóm sản phẩm thực phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương tổ chức lớp bồi dưỡng chứng chỉ lấy mẫu thực phẩm tạo điều kiện cho công chức được nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện tốt các công việc được giao…
Kết luận buổi làm việc, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm Trung ương ghi nhận kiến nghị của địa phương. Đồng thời đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành luôn được duy trì và ngày càng phát huy được vài trò lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm.
Trong đó, công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm đã được triển khai đồng bộ thường xuyên, liên tục. Các sở, ngành đã kịp thời phối hợp, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo, đài và các cơ quan truyền thông để tuyên truyền đúng và đạt hiệu quả.
Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành ngày càng được tăng cường; các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm tại tuyến tỉnh và tuyến huyện được xử lý nghiêm, kịp thời, đúng theo quy định pháp luật; ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống ngày càng được nâng cao góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và lợi ích của người tiêu dùng.
Đoàn yêu cầu Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh Bình Dương tiếp tục chỉ đạo triển khai phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra trong dịp “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 đạt mục tiêu theo chỉ đạo của Trung ương và Kế hoạch của tỉnh.
Bên cạch đó, Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, hậu kiểm và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; xử lý nghiêm vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm trên địa bàn; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm; thông tin về cơ sở chấp hành tốt quy định về an toàn thực phẩm, cơ sở bán thực phẩm an toàn để người dân biết lựa chọn thực phẩm an toàn.
Đoàn kiểm tra cũng đề nghị Bình Dương tiếp tục tăng cường phổ biến các văn bản của Nhà nước về thực hiện các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm được triển khai đến các đối tượng trong địa bàn tỉnh để việc thực hiện được kịp thời, đạt hiểu quả cao hơn. Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác thông tin truyền thông tới các cơ sở sản xuất hoạt động mang tính chất thủ công, nhỏ lẻ, thời vụ, có tần suất thay đổi nhân công thường xuyên, từ đó nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm…
Trước đó, trong buổi sáng và trưa cùng ngày, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm Trung ương (Đoàn số 05) đã tiến hành kiểm tra 2 cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Dương, gồm: Công ty TNHH MTV Công nghiệp Ma San (Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp A, TP. Dĩ An) và Công ty TNHH Deneast Việt Nam (khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II-A, phường Vĩnh Tân, TP. Tân Uyên). Theo đó, Đoàn đã kiểm tra thực tế hồ sơ, giấy tờ liên quan; kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại khu vực sản xuất; lấy mẫu và hồ sơ kèm theo…