Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 (Quân khu 4): Giúp đồng bào vùng biên xóa đói, giảm nghèo

Làm nhiệm vụ trên địa bàn các xã miền núi, biên giới thuộc diện đặc biệt khó khăn ở hai huyện Kỳ Sơn, Quế Phong (Nghệ An), những năm qua, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 4 (Quân khu 4) không ngừng tìm tòi, xây dựng, triển khai các dự án, mô hình kinh tế giúp đồng bào các dân tộc vùng biên xóa đói, giảm nghèo.

Vượt khó đến với bà con

Trên quãng đường dài hơn 20km dẫn từ Đội sản xuất 2, Đoàn KT-QP 4 đến các hộ dân trên địa bàn, chúng tôi đi ngang qua con sông Nậm Mộ (Kỳ Sơn, Nghệ An). Dòng sông bình thường hiền hòa là thế, vậy mà đến mùa lũ về, sông gầm lên, mang theo lũ quét, sẵn sàng cuốn phăng mọi thứ xuất hiện trên dòng chảy.

Đồng hành với chúng tôi, Trung tá Bùi Văn Hải, Trợ lý Phòng Tham mưu-Kế hoạch, Đoàn KT-QP 4 bồi hồi kể lại: “Năm 2016, trên địa bàn xã Mường Típ xảy ra mưa lớn kéo dài nhiều ngày. Lũ quét từ sông Nậm Mộ kéo về cuồn cuộn, cả bản Xốp Phe với 75 hộ dân buộc phải di dời. Bao nhiêu vật chất, nhà cửa đều bị lũ cuốn đi hết. Nhận được tin báo, Đoàn KT-QP 4 lập tức điều động lực lượng hỗ trợ thực phẩm, thuốc men, giúp nhân dân dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống. Nhưng cũng phải mất cả tháng trời thì công tác khắc phục hậu quả thiên tai mới hoàn thành do đường đi lại khó khăn, phương tiện khó ra vào”.

Có thể thấy, điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, thiên tai diễn biến phức tạp là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn Đoàn KT-QP 4 làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, người dân đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn còn giữ các hủ tục, tập quán du canh, du cư, phát nương làm rẫy.

Đoàn KT-QP 4 làm nhiệm vụ trên địa bàn rộng, đồi núi hiểm trở; nhân lực, vật lực của đơn vị phân tán, còn nhiều thiếu thốn; đầu ra cho các sản phẩm của mô hình kinh tế chưa ổn định... Vì vậy, làm sao để các mô hình kinh tế phát huy hiệu quả cao nhất, giúp nhân dân vượt khó, thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững luôn là bài toán khó khiến Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 4 đau đáu tìm lời giải.

 Mô hình chè shan tuyết của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 giúp đồng bào vùng biên giới phát triển kinh tế.

Mô hình chè shan tuyết của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 giúp đồng bào vùng biên giới phát triển kinh tế.

Chia sẻ về một số chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các mô hình kinh tế, Thượng tá Lương Hải Kiên, Phó chính ủy Đoàn KT-QP 4 cho biết: “Các mô hình kinh tế chỉ đạt hiệu quả cao nhất khi sát đúng với tình hình thực tiễn của địa phương, thu hút được đông đảo nhân dân tham gia. Vì vậy, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn xác định việc bám bản, bám dân, phối hợp với các lực lượng trên địa bàn giúp đỡ nhân dân vùng dự án xóa đói, giảm nghèo bền vững là một trong những khâu đột phá quan trọng trong nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của đơn vị”.

Đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 4 đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dân vận theo phương châm "3 bám, 4 cùng" (bám bản, bám dân, bám nhiệm vụ; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào).

Đưa cần câu, dạy cách câu

Chúng tôi đi cùng Thiếu tá Nguyễn Đức Mậu, Phó đội trưởng Đội sản xuất 4, Đoàn KT-QP 4 lên tham quan đồi trồng sả Java của đơn vị. Cuối năm 2021, nguyên quả đồi với diện tích rộng hơn 4ha vẫn chỉ là khu đất trống, cỏ lau mọc um tùm. Vậy mà đến nay, ở nơi đây, từng khóm sả tốt tươi mọc lên san sát, tỏa hương thơm thoang thoảng. Đây là thành quả của mô hình kinh tế trồng, chiết xuất tinh dầu sả Java của Đội sản xuất 4.

 Tham quan mô hình nuôi dê Boer Ấn Độ của Đội sản xuất 4, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4.

Tham quan mô hình nuôi dê Boer Ấn Độ của Đội sản xuất 4, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Đức Mậu chia sẻ: “Đơn vị đóng quân trên địa bàn khu vực miền núi, tình hình kinh tế-xã hội của địa phương còn rất nhiều khó khăn. Trước kia, bà con phát triển kinh tế bằng việc trồng lúa, trồng ngô nhưng do khí hậu khắc nghiệt, thời tiết nắng mưa thất thường nên thường xuyên bị mất mùa, không đem lại hiệu quả cao. Sau khi nghiên cứu kỹ địa hình, địa chất, khí hậu của khu vực, chúng tôi nhận thấy việc trồng sả có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế tốt nhất”.

Nghĩ là làm, sau khi tham mưu và nhận được sự nhất trí của Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 4, Đội sản xuất 4 lập tức bắt tay vào triển khai trồng sả Java. Mặc dù nhân lực ít nhưng với tinh thần, quyết tâm cao, chỉ trong hơn một tuần, Đội sản xuất 4 đã phát quang, cải tạo được hơn 4ha đất, biến đồi núi khô cằn trở thành mảnh đất trồng sả xanh tươi. Ngay vụ thu hoạch sả đầu tiên vào năm 2022, Đội thu hoạch, chiết xuất được 100 lít tinh dầu sả, tạo thành sản phẩm có thương hiệu, mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Thành quả đã được chứng minh, Đội sản xuất 4 mời nhân dân trên địa bàn đóng quân đến tham quan, tìm hiểu. Thiếu tá Nguyễn Đức Mậu cho biết: “Bước đầu, đơn vị cung cấp giống, hướng dẫn nhân dân trồng sả rồi thu mua lại sản phẩm thô để chiết xuất, mở rộng quy mô mô hình kinh tế. Như vậy vừa giúp đơn vị ổn định nguồn cung, vừa giúp bà con có nguồn ra cho sản phẩm. Khi việc trồng sả được lan tỏa rộng rãi, mang lại hiệu quả kinh tế nhất định, chúng tôi sẽ chuyển đổi, bàn giao quy trình, công thức chiết xuất sả để bà con có thể tự thực hiện”.

 Tham quan mô hình nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt siêu nạc của Đội sản xuất 4, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4.

Tham quan mô hình nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt siêu nạc của Đội sản xuất 4, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4.

Bên cạnh mô hình kinh tế trồng, chiết xuất tinh dầu sả Java, Đội sản xuất 4 còn thực hiện thêm hai mô hình kinh tế là nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt siêu nạc và nuôi dê Boer Ấn Độ. Những loại cây trồng, vật nuôi đều được đơn vị lựa chọn kỹ lưỡng, dễ chăn nuôi, trồng trọt, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương, năng suất lao động của nhân dân, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, ngoài Đội sản xuất 4, năm 2022, các cơ quan, đơn vị của Đoàn KT-QP 4 chung tay cùng nhân dân xây dựng 38 lượt mô hình phát triển sản xuất, trị giá hơn 240 triệu đồng; hỗ trợ nhân dân hơn 3.500 con giống gia cầm, 100 con trâu, 205 con dê, 32 con lợn giống, 160kg cá giống, gần 10.000 cây ăn quả các loại, 200kg lúa giống, 5.000 gốc đào, 500kg gừng giống, cùng các vật tư trồng trọt, chăn nuôi khác; hỗ trợ hơn 40 triệu đồng tiền mặt làm chuồng trại chăn nuôi cho các hộ gia đình; mỗi cơ quan, đơn vị giúp đỡ 1-2 hộ giảm nghèo bền vững, thường xuyên giúp đỡ về giống và kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho 35 hộ nghèo.

Các mô hình kinh tế, mô hình chi bộ giúp đỡ hộ nghèo cùng với các hoạt động khác của Đoàn đã góp phần cùng địa phương thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, bình quân tỷ lệ hộ nghèo trong Khu KT-QP Kỳ Sơn-Quế Phong (Nghệ An) giảm 2,4%/năm.

Thời gian tới, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 4 xác định: Tiếp tục thực hiện tốt các dự án trong khu KT-QP; triển khai khảo sát và tổ chức thực hiện Dự án “Hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023”; phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, trí thức trẻ tình nguyện trong các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp nhân dân phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình; theo dõi, chăm sóc tốt các mô hình chè shan tuyết, sả Java, dưa lưới, dưa chuột nếp, lợn siêu nạc, dê Boer. Thực hiện “2 tăng” trong công tác dân vận xây dựng cơ sở chính trị địa bàn (tăng cường bám bản và tăng cường kết nối thiện nguyện), từng bước xây dựng Khu KT-QP Kỳ Sơn-Quế Phong ngày càng vững mạnh, phát triển.

Bài và ảnh: ANH MINH - HÀ ĐÔNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/doan-kinh-te-quoc-phong-4-quan-khu-4-giup-dong-bao-vung-bien-xoa-doi-giam-ngheo-743889