Đoàn người di cư cố gắng đến Mỹ trước khi ông Trump nhậm chức

Những đoàn di cư từ Tapachula, miền nam Mexico, đang cố gắng tiến về biên giới Mỹ, hy vọng đến nơi trước ngày 20/1, thời điểm ông Trump chính thức trở thành Tổng thống.

Nhiều nhóm trong số này tự đặt tên như "Éxodo Trump" hoặc "Exodus Trump", mang ý nghĩa hành trình đầy thử thách trong bối cảnh lo ngại các chính sách nhập cư khắt khe hơn sẽ được thực thi.

Nhưng hầu hết các nhóm không thể đi xa. Một số đoàn, bao gồm hàng nghìn người, bị kẹt ở Tapachula trong nhiều tuần để chờ giấy phép đi qua Mexico. Những nhóm khác bị cơ quan chức năng Mexico giải tán chỉ sau vài ngày hành trình.

Theo thống kê, số vụ vượt biên trái phép tại biên giới Mỹ đã giảm đáng kể. Vào tháng 11, chỉ có khoảng 46.000 người vượt biên trái phép, mức thấp nhất trong 4 năm, nhờ các biện pháp hạn chế tị nạn của chính quyền Tổng thống Joe Biden và việc Mexico tăng cường kiểm soát hành trình di cư.

 Những người di cư từ Mexico và Guatemala bị các sĩ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ bắt giữ sau khi vượt qua một đoạn tường biên giới vào Mỹ, tại Ruby, Arizona. Ảnh: GI

Những người di cư từ Mexico và Guatemala bị các sĩ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ bắt giữ sau khi vượt qua một đoạn tường biên giới vào Mỹ, tại Ruby, Arizona. Ảnh: GI

Hầu hết người Mỹ lần đầu nghe đến đoàn người di cư trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, khi một đoàn người di cư lớn hình thành ở Honduras trở thành trọng tâm trong thông điệp chống người nhập cư của ông trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Ông tuyên bố đoàn người này toàn là tội phạm, thành viên băng đảng MS-13 và "người Trung Đông". Nhưng các báo cáo từ truyền thông lại kể câu chuyện khác, đó là hình ảnh những bà mẹ bế con, người già và những người kiệt sức lê bước, nhiều người phải dựa vào nạng để tiếp tục hành trình.

Những đoàn di cư từ đó trở nên thường xuyên hơn, dù quy mô nhỏ hơn để tránh sự chú ý từ chính quyền và truyền thông. Thành phần người tham gia cũng thay đổi. Nếu trước đây đa số là người Trung Mỹ, thì gần đây, người Venezuela đã trở thành nhóm đông đảo nhất. Ngoài ra còn có người từ các quốc gia Nam Mỹ khác như Peru và Colombia.

Người di cư tham gia đoàn di cư vì không đủ khả năng trả tiền cho các kẻ buôn người hoặc không muốn hối lộ cảnh sát Mexico. Một số người xem đoàn là cách an toàn hơn để di chuyển qua những khu vực nguy hiểm, nơi các băng đảng thường xuyên tống tiền, bắt cóc hoặc giết hại người di cư.

Hành trình qua miền nam Mexico là một thử thách về cả thể chất lẫn tinh thần. Người di cư phải đối mặt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, từ cái nóng thiêu đốt đến những trận mưa như trút nước.

Những đoạn đường dài giữa các thị trấn khiến nhiều người không khỏi kiệt sức. Một số người so sánh việc băng qua miền nam Mexico với hành trình vượt Daríen Gap, khu rừng hiểm trở giữa Colombia và Panama, nơi nguy cơ chết người luôn rình rập.

Chấn thương thể chất như phồng rộp, đau nhức cơ thể và bệnh do thời tiết khiến người di cư phải tìm đến các đơn vị y tế lưu động. Ở các quảng trường trung tâm, bác sĩ và tình nguyện viên băng bó chân tay, điều trị cảm cúm và các bệnh thông thường khác.

Không phải ai cũng có thể tiếp tục hành trình. Nhiều người bỏ cuộc chỉ sau vài ngày vì không chịu nổi áp lực hoặc hết sức. Một số người, sau nhiều ngày chờ đợi vô vọng hoặc bị chặn lại giữa đường, đã quay về quê hương.

Hoài Phương (theo NYT, Newsweek, CNN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doan-nguoi-di-cu-co-gang-den-my-truoc-khi-ong-trump-nham-chuc-post331124.html