Đoàn nhà báo Việt Nam thăm và làm việc với Quỹ Xúc tiến truyền thông Hàn Quốc
Trong khuôn khổ chương trình tập huấn thuộc Dự án hỗ trợ Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nâng cao năng lực thực thi chính sách của Chính phủ năm 2024 tại Hàn Quốc, ngày 22/8, đoàn cán bộ lãnh đạo, giảng viên và phóng viên một số cơ quan báo chí Việt Nam do PGS, TS Mai Đức Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC) làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Quỹ Xúc tiến truyền thông Hàn Quốc (KPF).
Tại buổi làm việc, Tiến sĩ Sonho Kim, Giám đốc trung tâm nghiên cứu truyền thông của KPF chia sẻ, ông đã đến Việt Nam nhiều lần và rất ấn tượng khi đến thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám, trường Đại học đầu tiên của Việt Nam; nhấn mạnh Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử, nhất là truyền thống hiếu học và tự lực tự cường; tin tưởng Việt Nam với hướng phát triển đúng đắn sẽ có nhiều bước tiến vượt bậc trong tương lai gần.
Hàn Quốc hiện là quốc gia có nền báo chí và Internet phát triển mạnh mẽ và cũng như Việt Nam, trong thời đại số, hệ thống báo chí hai nước đang phải đối mặt với vấn nạn tin giả tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội. KPF mong muốn cùng trao đổi, hợp tác ngăn chặn nạn tin giả đang là nỗi lo của tất cả các quốc gia nói chung, Việt Nam và Hàn Quốc nói riêng trong thời đại số.
KPF hình thành từ năm 1962, trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi, sáp nhập, đến năm 2010 Quỹ chính thức trở thành một cơ quan thuộc chính phủ Hàn Quốc. Hiện nay, Quỹ trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc.
Với phương châm “Đồng hành cùng báo chí và người dân” (With the Press/ With the People) KPF thực hiện nhiệm vụ tăng cường năng lực báo chí với các khóa đào tạo cơ bản cho người mới vào nghề; đào tạo các nhà quản lý, người làm việc trong các tòa soạn báo; đào tạo theo ủy thác của các tòa soạn báo, chủ yếu là dạy lý thuyết; hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí…
KPF hoạt động trong năm lĩnh vực cốt lõi, trong đó, Quỹ là cơ quan được chính phủ Hàn Quốc ủy thác thực hiện toàn bộ các hoạt động truyền thông của chính phủ, các bộ, ngành... Quỹ được nhận 10% của tổng số tiền thực hiện các chiến dịch, hoạt động truyền thông này, và đó là nguồn thu ổn định để Quỹ tiến hành các hoạt động thúc đẩy sự phát triển của báo chí.
Cũng như Việt Nam, báo in tại Hàn Quốc đang ở giai đoạn thoái trào, tiến tới là truyền hình cũng mất đi đáng kể lượng khán giả, các thông tin thời sự được người dân tiếp cận qua báo điện tử, mạng xã hội và các nền tảng số khác.