Đoàn Phật giáo An Nam tông và đại diện kiều bào tại Thái Lan thăm Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội
Sáng 30-11, Hội đồng Trị sự, Văn phòng I T.Ư phối hợp với chư tôn đức Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội tiếp phái đoàn Phật giáo An Nam tông và đại diện kiều bào tại Thái Lan.
Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Giáo dục Phật giáo T.Ư, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội; Thượng tọa Thích Thanh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự kiêm Chánh Văn phòng I T.Ư; cùng chư tôn đức Phó Chánh Văn phòng I T.Ư tham dự tiếp phái đoàn.
Đại diện phái đoàn Phật giáo An Nam tông Thái Lan có Hòa thượng Somdet Phra Mahathirachan, Thành viên Hội đồng Tăng-già Phật giáo Thái Lan, Chủ tịch Văn phòng Quản lý Tỳ-kheo ở nước ngoài; Hòa thượng Kitsamer Phra Dechathorn (Thích Quốc San), trụ trì chùa Khánh Thọ làm Trưởng đoàn; Hòa thượng Arjanan Phra Phairat, trụ trì chùa Khánh Điền, Phó Trưởng đoàn, cùng đại diện Sở Văn hóa tỉnh Udon Thani, Văn phòng Phật giáo quốc gia, Hội đồng Tăng-già Thái Lan và đại diện kiều bào Việt Nam tại Thái Lan; ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tham dự.
Thay mặt TƯGH và Học viện, Hòa thượng Thích Thanh Quyết phát biểu chào mừng, cho biết đôi nét về Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội, là một trong bốn cơ sở giáo dục cấp đại học của GHPGVN, hiện có gần 700 Tăng Ni thuộc các hệ đào tạo từ cao đẳng đến sau đại học. Dịp này, Hòa thượng cũng giới thiệu về danh thắng Yên Tử, khởi nguồn của dòng Thiền Trúc Lâm tại Việt Nam với Sơ Tổ là Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Hòa thượng hy vọng trong thời gian tới, Phật giáo nói chung và tông phái Việt tông tại Thái Lan sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối, thúc đẩy quan hệ gắn bó giữa cộng đồng người gốc Việt với nhân dân Thái Lan, cũng như nhân dân hai nước. Hòa thượng mong cộng đồng người Việt Nam ở Thái Lan sẽ tiếp tục phát huy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, gắn bó, giúp nhau ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Phát biểu tại buổi tiếp, ông Mai Phan Dũng cho biết Việt Nam và Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 6-8-1976, cho đến nay quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp và sâu rộng trên các lĩnh vực. Ông khẳng định quan hệ giao lưu nhân dân, văn hóa giữa hai nước đã có từ lâu đời, đến nay tiếp tục được củng cố, trong đó giáo lý Đạo Phật là sợi dây tinh thần bền chặt, gắn bó một cách tự nhiên giữa hai dân tộc Việt Nam và Thái Lan.
Theo ông Mai Phan Dũng, hệ thống chùa Việt và Phật giáo Việt tông (Annamnikai) đã trở thành một bộ phận quan trọng của Giáo hội Phật giáo Thái Lan, có nhiều đóng góp cho nền Phật giáo Thái Lan. Hiện nay, ở Thái Lan có khoảng 25 chùa Việt, trong đó có 8 chùa đã được gắn biển tên tiếng Việt. Các ngôi chùa Việt ở Thái Lan vừa là địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đông đảo cộng đồng Phật tử người Việt, cũng là nơi bà con gửi gắm tình cảm với quê hương Việt Nam, duy trì những tập quán lâu đời của dân tộc Việt, giúp gắn kết cộng đồng và giáo dục thế hệ kiều bào trẻ về cội nguồn và các nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Ông cũng cho biết thêm Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm chăm lo đến đời sống tinh thần của cộng đồng kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Đây là năm thứ ba, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp T.Ư GHPGVN tiếp đón đoàn đại biểu Phật giáo An Nam tông Thái Lan và đại diện kiều bào tại Thái Lan sang thăm Việt Nam.
Chuyến thăm lần này sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác, giao lưu toàn diện giữa hai quốc gia, tiếp tục thúc đẩy sự gắn bó GHPGVN với Giáo hội Phật giáo Thái Lan.
Đại diện Phật giáo An Nam tông, Hòa thượng Somdet Phra Mahathirachan, Thành viên Hội đồng Tăng già Phật giáo Thái Lan, Chủ tịch Văn phòng Quản lý Tỳ-kheo ở nước ngoài phát biểu cảm ơn sự tiếp đón trọng thị của các Hòa thượng, Thượng tọa lãnh đạo TƯGH và Tăng Ni tại Học viện.
Hòa thượng Somdet Phra Mahathirachan cho biết sẵn lòng được đón quý Hòa thượng cũng như Tăng Ni Phật tử, nhân dân Việt Nam sang thăm đất nước Thái Lan.
Được biết, phái đoàn sẽ có các cuộc làm việc với Bộ Ngoại giao, Ban Tôn giáo Chính phủ, GHPGVN và thăm một số tự viện.