Đoàn Thạch Biền: Đam mê viết cho tuổi mới lớn
Bộ 3 tác phẩm Tình nhỏ làm sao quên, Tôi thương mà em đâu có hay, Tôi hay mà em đâu có thương viết về một thời áo trắng, là những cuốn sách 'vang bóng một thời' của nhà văn Đoàn Thạch Biền vừa được tái bản.
Bộ 3 tác phẩm của nhà văn Đoàn Thạch Biền
Trong buổi ra mắt sách hôm 10/5, dù đã yếu nhưng nhà văn Đoàn Thạch Biền vẫn luôn nở nụ cười trước sự mến mộ của mọi người. Ông cười nói hồn nhiên, trong ánh mắt ông vẫn rực cháy sự đam mê - hành trang đã đưa ông đi suốt hơn 50 năm gắn cuộc đời với các thế hệ tuổi mới lớn.
Nhà văn của tuổi mới lớn
Đoàn Thạch Biền tên thật là Phạm Đức Thịnh, sinh năm 1948 tại Nam Định, nhưng sống trong Nam từ nhỏ. Ông đến với văn chương khá sớm, và từ năm mười mấy tuổi, ông đã có tác phẩm in trên các tạp chí xuất bản tại Sài Gòn. Với bút danh là Nguyễn Thanh Trịnh, trước 1975 ông đã đoạt giải thưởng Văn học Nghệ thuật quốc gia với kịch bản sân khấu. Truyện dài Đoàn Thạch Biền viết năm 1974 mang tên Ví dụ ta yêu nhau đã đưa ông trở thành một trong những nhà văn hàng đầu về viết cho tuổi mới lớn thời bấy giờ.
Sau tháng Tư năm 1975, Đoàn Thạch Biền trải qua nhiều công việc như dạy học, làm rẫy, làm công nhân rồi về làm phóng viên ở báo Người Lao Động trước khi chuyển sang phụ trách chuyên san Áo Trắng. Dù trải qua nhiều biến động, nhưng Đoàn Thạch Biền vẫn trung thành với những tác phẩm dành cho tuổi mới lớn. Ông đều đặn cho ra đời những tiểu thuyết như Bất ngờ phía trái tim, Phượng yêu, Đừng đốt cháy bông hồng, Tôi thương mà em đâu có hay, Tôi hay mà em đâu có thương, Mây bay trong đầu, Những ngày tươi đẹp, Mùa hè khắc nghiệt...… Mỗi cuốn sách là một thế giới rất riêng của tuổi mới lớn với những cảm xúc, ngộ nhận rất đỗi ngây thơ, trong trắng và lãng đãng đâu đó là tình yêu mới chớm của tuổi học trò đầy mộng mơ…
“Tôi tạo sân chơi Áo Trắng để dành cho các bạn trẻ yêu thích văn chương. Chúng tôi cũng đang nuôi dưỡng một lớp cây viết trẻ để hy vọng sau này họ sẽ trở thành nhà văn, nhà thơ. Đôi lúc tôi cũng cảm thấy mệt mỏi vì tuổi tác nhưng khi đọc được một truyện ngắn hay, một bài thơ hay của một bạn trẻ chưa ai biết tên gửi tới, tôi cảm thấy khỏe ngay. Đó là lý do vì sao tôi trẻ mãi”, nhà văn Đoàn Thạch Biền.
Đoàn Thạch Biền chia sẻ, tuổi mới lớn là tuổi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người. Khi đó con người ta còn nhìn cuộc đời bằng cặp mắt ngây thơ, trong trắng, háo hức tò mò tìm hiểu cuộc sống với sự hồn nhiên thơ ngây… Ai cũng phải bước qua tuổi này nên những cuốn sách của ông vẫn tái bản đều đặn và luôn hiện diện trên mỗi kệ sách. Truyện dài Tình nhỏ làm sao quên được đạo diễn Lê Hoàng Hoa dựng thành bộ phim cùng tên, giành được Huy chương Vàng tại Liên hoan phim năm 1993.
Quy tụ những tay viết trẻ
Trở thành “chủ xị” của chuyên san Áo trắng, Đoàn Thạch Biền xác định chuyên san phải là sân chơi của những cây bút tuổi teen. Vì thế, ngay từ khi thành lập, ông đã đến từng trường đại học, từng tỉnh thành để quy tụ, vận động, khuyến khích các cây viết trẻ tham gia. Ông đã truyền được ngọn lửa đam mê cho các bạn trẻ, thu hút được nhiều cây bút mới, còn rụt rè về mái nhà Áo Trắng dưới hình thức Câu lạc bộ văn thơ Gia đình Áo Trắng. Rồi chính ông cặm cụi, biên tập từng câu chữ, tổ chức bài vở cho từng số. Suốt 30 năm qua, chuyên san Áo Trắng trở thành thương hiệu riêng dành cho lứa tuổi mới lớn và là ấn phẩm không thể thiếu với lứa tuổi học sinh, sinh viên.
Cũng chứng ấy thời gian, nhiều CLB luôn hoạt động, ươm mầm những nhà văn, nhà thơ. Nhiều tay viết dưới mái nhà Áo Trắng giờ đã trở thành nhà văn, nhà thơ có tên tuổi như Dương Bình Nguyên, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phong Điệp, Vi Thùy Linh, Trang Hạ, Lê Thiếu Nhơn, Trần Hoàng Nhân, Dương Thụy, Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang, Đinh Lê Vũ, Đinh Thu Hiền, Gia Bảo, Nguyễn Khắc Cường, Ngô Thị Giáng Uyên, Hải Miên… Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn kể: “Hơn 20 năm trước tôi từ quê vô Sài Gòn nhận 1 chiếc xe đạp-phần thưởng giải Nhất cuộc thi thơ 7 chữ do Áo trắng tổ chức. Chiếc xe này đã theo tôi qua nhiều tháng năm sinh viên, đạp xe đi viết báo, làm thơ, làm văn…”.
Hơn 50 năm viết và sống với các thế hệ mới lớn, ai cũng nghĩ Đoàn Thạch Biền sẽ mãi tuổi teen. Nhưng cơn bạo bệnh hồi đầu năm 2021 đã đánh gục ông. Từ một người luôn vui tươi, trẻ trung, Đoàn Thạch Biền giờ đây đã trở thành một ông già chống gậy, đi đứng phải có người dìu. Nhà thơ Trần Hoàng Nhân-Phó giám đốc công ty Huyền Đức, đơn vị sở hữu các tác phẩm của nhà văn Đoàn Thạch Biền cho biết: “Như mọi năm, chúng tôi lại tái bản những cuốn sách của nhà văn Đoàn Thạch Biền, năm nay sẽ là bộ 3 tác phẩm Tình nhỏ làm sao quên, Tôi thương mà em đâu có hay, Tôi hay mà em đâu có thương… viết về một thời áo trắng. Khi những tiếng ve gọi hè cất lên báo hiệu sự chia tay trường lớp, trong đó có cả những mối tình đầu thì những tác phẩm của nhà văn sẽ là món quà đầy ý nghĩa, để mỗi người trao tặng cho nhau, hay để nhớ lại một thời đã qua, thời tươi đẹp của tuổi mới lớn”.
Tháng 9/2020, nhân kỷ niệm 30 năm chuyên san Áo Trắng, những người quản lý đã mong muốn sẽ thay thế ê kíp cũ do nhà văn Đoàn Thạch Biền chủ biên bằng ê kíp mới. Tuy nhiên, dự kiến đó đã chưa thể thực hiện bởi ê kíp cũ đã quá quen thuộc, quá uy tín với bạn đọc trong cả nước. Vì vậy, dù là chuyên san dành cho tuổi teen nhưng suốt 30 năm qua, Áo Trắng lại do “cụ ông” cầm trịch và giờ đã bước lên tuổi đại lão.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/doan-thach-bien-dam-me-viet-cho-tuoi-moi-lon-post1336005.tpo