Đoàn thanh niên tháng Tám thủ đô năm ấy

Ngay từ ngày đầu cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Đoàn thanh niên tháng Tám Thủ đô đã có mặt trên mặt trận giao thông vận tải ở tuyến lửa khu IV.

“Ta đã đi qua những năm tháng không ngờ

Vô tư quá để bây giờ xao xuyến

Bèo lục bình mênh mang mầu mực tím

Nét chữ thiếu thời trôi nhanh như dòng sông”

Lời thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng là tâm sự của cả thế hệ chúng tôi. Vâng! mới đấy mà hơn sáu mươi năm đã trôi qua. Ngày ấy chúng tôi gồm 180 thanh niên học sinh tốt nghiệp cấp 2, cấp 3 của trên 10 trường nội thành Hà Nội, tình nguyện đi theo tiếng gọi của phong trào thanh niên xung phong do Thành đoàn Hà Nội phát động, mang tên: “Đoàn thanh niên tháng Tám Thủ đô”.

 Một số đội viên thanh niên xung phong “Đoàn thanh niên tháng Tám Thủ đô” chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ảnh tư liệu

Một số đội viên thanh niên xung phong “Đoàn thanh niên tháng Tám Thủ đô” chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ảnh tư liệu

Ngày 1/8/1964 chúng tôi tạm biệt Thủ đô thân yêu đi về phương súng nổ trời xa. Trong mỗi cuốn sổ tay và trong mỗi trái tim chúng tôi ghi đậm lời ca đầy tự hào: Ta là học sinh Hà Nội, ra đi chống Mỹ cứu nước. Tay rời cây bút vào đời mang bao ước mơ. Ta bạt núi Trường Sơn, xây dựng những con đường Tổ quốc mong chờ... Đoàn thanh niên tháng Tám Thủ đô ra đời với nhiệm vụ tham gia xây dựng kinh tế trên các tuyến đường giao thông của khu IV. Chỉ 4 ngày sau, cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã xảy ra - ngày 5/8/1964.

Ngay từ ngày đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đoàn thanh niên tháng Tám Thủ đô đã có mặt tham gia trên mặt trận giao thông vận tải ở tuyến lửa khu IV. Nơi thử thách đầu tiên của chúng tôi là đắp bệ phản áp ở đầu cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa). Toàn học sinh nội thành Hà Nội được giao nhiệm vụ thật đơn giản là gánh cát song đó cũng là công việc thật khó khăn, gian khổ. Đôi vai không quen lao động nặng nhọc nay phải làm quen với đòn gánh, quang, sọt dưới nắng lửa miền Trung, của gió Lào hết ngày này sang ngày khác. Mỗi đội viên chúng tôi phải tự đấu tranh với bản thân mình: Tiến lên hay chùn bước, về nhà hay ở lại đơn vị? Phải chiến thắng đôi vai đau rát với cuộc sống thiếu thốn, kham khổ. Lý tưởng, hoài bão và nhiệt tình của tuổi trẻ, mang trách nhiệm và lòng tự hào của ngời thanh niên Thủ đô đã giúp chúng tôi vượt qua thử thách ban đầu.

Năm 1965, cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và bọn tay sai ngày càng ác liệt, nhất là đối với các tuyến đường khu IV. Đoàn thanh niên tháng Tám Thủ đô được giao nhiệm vụ tham gia xây dựng đường sắt Cầu Giát - Thái Hòa ở tỉnh Nghệ An. Tuyến đường sắt này vừa phục vụ cho chiến tranh trước mắt và xây dựng kinh tế cho mai sau. Đến lúc này, gian khổ của lao động đã là thứ yếu, chiến tranh trên mặt trận giao thông trở nên thực sự ác liệt.

Đêm đêm, chúng tôi làm việc trên mặt đường từ 17 giờ hôm trớc đến 4 giờ sáng ngày hôm sau. Nhiệm vụ của đơn vị là xây dựng đường sắt mới, bảo đảm giao thông đường bộ đoạn nối Quốc lộ 1A và đường 15 tại phía Bắc Nghệ An. Cuộc giáp mặt với chiến tranh đầu tiên đã đến với chúng tôi. Đêm 6/8/1965, chỉ sau một tuần, một năm kỷ niệm ngày thành lập Đoàn thanh niên tháng Tám Thủ đô, bom Mỹ đã đánh vào đoạn đường chúng tôi đang thi công. Ba đồng chí Nguyễn Đức Hòa, Nguyễn Đình Tiến, Hoàn Văn Lanh đã hy sinh ở tuổi mười tám đôi mươi. Tuy đã được chuẩn bị song mất mát, đau thương này với chúng tôi thật quá lớn. Quyết biến đau thương thành sức mạnh, thành hành động cách mạng cụ thể, trước đây đơn vị đã có phong trào làm thêm phần việc của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi thì nay chúng tôi nguyện làm thêm việc của ba đồng đội mới hy sinh.

Kết thúc năm 1965, Đoàn thanh niên tháng Tám Thủ đô hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua ngành giao thông vận tải ở Thủ đô Hà Nội tháng 3/1966, đoàn chúng tôi là một trong hai chi đoàn đầu tiên của ngành đường sắt Việt Nam được Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam tặng Bằng khen và trao cờ Nguyễn Văn Trỗi. Đơn vị chúng tôi được tặng Huân chương Lao động Hạng Ba, đồng chí Bí thư Chi đoàn Đặng Đình Chuẩn là người đầu tiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 12/12/1965.

Năm 1966, đế quốc Mỹ và tay sai mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Bác Hồ ra lời kêu gọi: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Trên các tuyến đường giao thông khu IV địch đã sớm phát hiện yết hầu của tuyến giao thông miền Bắc chi viện cho miền Nam là huyện Can Lộc - Hà Tĩnh. Địch gọi đây là “cán gáo”. Thực tế đường vào Nam qua Can Lộc chỉ có 2 tuyến đường 1A và đường 15 cách nhau 10 km. Trọng điểm đánh phá đường 1A là cầu Nghèn - Can Lộc và đường 15 là Ngã ba Đồng Lộc. Ngày đêm địch dội bom bắn phá hai trọng điểm này hòng ngăn cản chi viện miền Bắc cho miền Nam ruột thịt.

Cùng với các đơn vị thanh niên xung phong Hà Nội, Hải Phòng, Nam Hà, Nghệ An, Hà Tĩnh..., chúng tôi mở 2 con đường chiến lược: Đường 21 song song với đường 15, đường 22 song song với đường 1A đều ở đoạn Hà Tĩnh nối với Quảng Bình. Đoàn thanh niên tháng Tám Thủ đô được giao nhiệm vụ thi công cuối đoạn đường 21 tại rừng Tân Ấp - Quảng Bình. Chiến tranh càng ác liệt, các điều kiện bảo đảm cho sản xuất và chiến đấu ngày càng khó khăn, rồi sốt rét, ghẻ lở, hắc lào... Đầu năm 1966, lương thực từ miền Bắc không chuyển được thường xuyên vào khu IV. Suốt 5 tháng liền lương thực, thực phẩm duy nhất với chúng tôi là ngô hạt, vừng đen và rau rừng. Cuộc sống tuy kham khổ song chính lúc này chúng tôi thấu hiểu hơn ý nghĩa "Tiếng hát át tiếng bom".

Mỗi khi nhìn lại, chúng tôi càng thêm tự hào và không hề ân hận, nuối tiếc bước đường mình đã đi qua. Nếu lịch sử lặp lại, chúng tôi vẫn sẵn sàng là đội viên thanh niên xung phong tình nguyện của Đoàn thành niên tháng Tám Thủ đô

Đêm làm, ngày nghỉ và sinh hoạt. Kỷ niệm ngày 10/10/1966 - Ngày Giải phóng Thủ đô được chúng tôi tổ chức rất sôi nổi. Hai buổi liên hoan văn nghệ với chủ đề Người Hà Nội được toàn đơn vị tham gia nhiệt tình. Các bài hát do cá nhân, tập thể, tổ sản xuất, phân đoàn, trường cũ... được trình diễn với tất cả nhiệt tình của tuổi trẻ. Đặc biệt, dàn hợp xướng bài Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi được trên 100 người tham gia hào hứng. Bài hát làm chúng tôi càng nhớ về Thủ đô bao nhiêu lại càng tự hào về Thủ đô bấy nhiêu.

Năm 1967 - 1968 cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đang chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới. Nhiệm vụ mở đường tiếp tục chuyển sâu vào phía Nam theo tuyến đường vận tải Đông Trường Sơn. Đoàn thanh niên tháng Tám Thủ đô được giao nhiệm vụ tham gia mở đờng 20/7 (đường Quyết Thắng). Chiến tranh càng ác liệt, điều kiện ăn mặc, làm việc càng thiếu thốn, bệnh tật càng hoành hành. Song đêm đêm nhìn những đoàn xe vận tải, xe kéo pháo quân ta ra trận lớp lớp như sóng trào tuôn chảy vào Nam trên những con đường Thanh niên xung phong, dường như chúng tôi lại quên hết mệt nhọc.

Sau cuộc đọ sức Mậu Thân năm 1968, địch càng thấy vai trò to lớn của hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Chúng càng điên cuồng bắn phá các tuyến đường chi viện Đông và Tây Trường Sơn. Đoàn thanh niên Tháng Tám Thủ đô tiếp tục chiến đấu và chiến thắng trên mặt trận bảo đảm giao thông cho đến ngày toàn thắng 30/4/1975.

Cùng với toàn dân vui mừng ngày thống nhất toàn vẹn non sông, cũng là những ngày chúng tôi chuẩn bị tham gia khôi phục đường sắt Thống nhất Bắc - Nam. Từ những năm 1966 vừa phải phục vụ cho chiến đấu trước mắt, đồng thời phải chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài và xây dựng hòa bình sau này, nhiều đội viên của Đoàn thanh niên tháng Tám Thủ đô lần lượt được cử đi học các trường đại học, trung cấp, công nhân kỹ thuật ở trong và ngoài nước. Đoàn chúng tôi được tiếp nhận các đội viên mới, họ là thanh niên các tỉnh và thành phố Hải Phòng, Hà Bắc, Nghệ An, Hà Tĩnh... mặc dù vậy trong họ vẫn mang truyền thống, niềm tự hào của Đoàn thanh niên Tháng Tám Thủ đô.

Sáu mươi năm đã trôi qua, 180 đội viên của Đoàn thanh niên tháng Tám Thủ đô có nhiều đồng chí đã hy sinh, nhiều đồng chí mang thương tích của chiến tranh, bệnh tật của một thời gian khổ cho đến hết cuộc đời. Đại đa số chúng tôi đều trưởng thành: 120/180 đồng chí trở thành cán bộ u tú của Đảng trong các ngành và lĩnh vực giao thông vận tải, cơ quan Đảng, chính quyền, các đoàn thể và sĩ quan quân đội. Nhiều người cũng đã về nơi rất xa với tổ tiên, ông bà.

Thế hệ chúng tôi sinh ra trong kháng chiến chống Pháp, lớn lên trong hòa bình và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi ra đi đều đang ở tuổi 15 đến 18 nay đã trên dưới tám mươi, nhiều đội viên đã nên ông, nên bà, nên cụ. Song mỗi khi nhìn lại chúng tôi càng thêm tự hào và không hề ân hận, nuối tiếc bước đường mình đã đi qua. Nếu lịch sử lặp lại, chúng tôi vẫn sẵn sàng là đội viên thanh niên xung phong tình nguyện của Đoàn thành niên tháng Tám Thủ đô.

Nguyễn Tuấn Anh (Ghi theo lời kể của đ/c Đặng Đình Chuẩn, Bí thư Chi Đoàn thanh niên Tháng Tám Thủ đô đầu tiên).

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/doan-thanh-nien-thang-tam-thu-do-nam-ay-185735.bbg