Đoàn Thanh tra của Ban Tôn giáo Chính phủ làm việc với huyện Di Linh

Sáng 11/5, Đoàn Thanh tra của Ban Tôn giáo Chính phủ do bà Nguyễn Thị Định - Vụ trưởng Vụ pháp chế Ban Tôn giáo Chính phủ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với huyện Di Linh về việc thực hiện chính sách, pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn huyện. Ông Ngô Văn Đức - Phó Giám đốc Sở Nội vụ và ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện cùng đại diện các phòng ban, liên quan của huyện Di Linh đã tham dự buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn Thanh tra của Ban Tôn giáo Chính phủ tại huyện Di Linh

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn Thanh tra của Ban Tôn giáo Chính phủ tại huyện Di Linh

Báo cáo của huyện Di Linh cho thấy, đây là địa bàn có số lượng người đồng bào DTTS chiếm 40% dân số toàn huyện với 65.000 người (nhiều nhất tỉnh), gồm 20 dân tộc (chủ yếu là dân tộc Cơ Ho).

Hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn huyện chủ yếu là của đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Ho ở địa phương, được tổ chức vào các vụ mùa nông nghiệp như: Lễ hội cúng Yàng, mừng lúa mới, cúng rẫy..; đối với người dân tộc Hoa, Nùng, hoạt động tín ngưỡng thường được tổ chức định kỳ hàng năm hoặc 5 năm như: Lễ hội Cầu an, các lễ hội vào dịp đầu năm mới,... và các hoạt động lễ, tết truyền thống cổ truyền của dân tộc.

Toàn huyện có 4 tôn giáo chính gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành và Cao Đài. Huyện có 52 cơ sở tôn giáo hợp pháp và có 135 chức sắc. Nhìn chung, các tôn giáo trên địa bàn huyện hoạt động bình thường, ổn định. Đa số chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo sinh hoạt thuần túy theo Hiến chương, Điều lệ của giáo hội, tuân thủ quy định của pháp luật, tích cực tham gia phát triển kinh tế- xã hội, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Từ khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ được ban hành, huyện Di Linh đã tổ chức triển khai và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, đưa công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở địa phương đi vào nề nếp, ổn định.

Huyện Di Linh cũng đã tập trung tham mưu giải quyết các nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp, thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết dân tộc. Đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, tranh thủ chức sắc, những người có uy tín trong tôn giáo, qua đó vận động tín đồ chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Hàng năm, UBND huyện đều phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện tổ chức buổi gặp gỡ toàn bộ chức sắc các tổ chức tôn giáo để thông báo về tình hình kinh tế - xã hội, các chủ trương định hướng của cấp ủy, chính quyền và lắng nghe các ý kiến góp ý cho quá trình quản lý, chỉ đạo điều hành, triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án của huyện cũng như nhu cầu của các tôn giáo. Nhìn chung, các tổ chức tôn giáo đều có sự đồng thuận và ủng hộ với các chủ trương của huyện đưa ra, có nhiều ý kiến góp ý xác đáng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại buổi làm việc, huyện Di Linh cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế còn tồn tại như: Việc thuyên chuyển hoạt động tôn giáo của một số chức sắc, tu sỹ không thông báo với chính quyền địa phương. Vẫn còn tình trạng chức sắc, nhà tu hành thực hiện việc thuyên chuyển hoạt động tôn giáo đến cơ sở thờ tự hợp pháp; sau một thời gian, chuyển nhượng đất với tư cách công dân, xây dựng nhà ở tư nhân, ra ngoài ở riêng, tổ chức sinh hoạt tôn giáo trái phép tại nhà, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở địa phương.

Tại hội nghị, cán bộ các ngành liên quan của huyện Di Linh cũng đã trao đổi những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn.

Kết luận tại buổi làm việc bà Nguyễn Thị Định - Vụ trưởng Vụ pháp chế Ban Tôn giáo Chính phủ ghi nhận những kết quả đạt được trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn có đông đồng bào DTTS như huyện Di Linh. Đồng thời Vụ trưởng Vụ pháp chế Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đưa ra nhiều giải pháp Di Linh cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Đặc biệt trong đó địa phương cần chú trọng quan tâm đến đào tạo bồi dưỡng, nâng cao hơn nữa năng lực công tác của đội ngũ cán bộ công chức làm công tác về tôn giáo trên địa bàn. Đa dạng việc thực hiện các hoạt động thăm hỏi, tiếp xúc để nắm bắt kịp thời tình hình các tổ chức tôn giáo và hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn góp phần thúc đẩy hơn nữa tính đại đoàn kết dân tộc, tạo sự đồng thuận, ổn định trong xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

NGỌC NGÀ

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/202205/doan-thanh-tra-cua-ban-ton-giao-chinh-phu-lam-viec-voi-huyen-di-linh-3115549/